Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, đến chiều 23/2/2009 tại TP. Hồ Chí Minh đã xác định 28 trường hợp sởi, trong đó có 5 ca dương tính với cả sởi lẫn rubella. Trong 28 trường hợp mắc sởi ở TP. Hồ Chí Minh có 2 trường hợp không phải là người của TP.Hồ Chí Minh, nhưng trong thời gian mắc bệnh có lưu trú tại thành phố.
Đáng chú ý là có 3 ổ bệnh đã và đang có nguy cơ lây lan: 3 ca sởi dương tính tại Trường Mầm non Phượng Hồng, quận Thủ Đức đều cư ngụ ở phường Hiệp Bình Chánh. Em bé thứ 4 dưới 5 tuổi, cũng ở phường này, đã xác định mắc sởi; tại 47/14 Trần Quốc Toản, quận 3 có 2 ca sởi dương tính, chưa phát hiện dấu hiệu lây lan thêm.
Tại Trường Quới Xuân và KP1 phường Thạnh Xuân, quận 12: có 1 ca sởi dương tính, nhưng qua điều tra dịch tễ đã phát hiện nhiều trường hợp phát ban, trong đó có 1 cô giáo lớp 2 và bố của 1 bệnh nhân đã xác định mắc sởi. Qua 6 mẫu huyết thanh của các trường hợp phát ban tại ổ dịch này, có 5 trường hợp dương tính với rubella. Như vậy, nơi đây là một ổ dịch rubella.
Số bệnh nhân sởi tại các quận, huyện khác thì có 4 trường hợp xuất phát từ phía Bắc, 17 trường hợp chưa xác định được nguồn lây.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị nguồn vắc xin để tiêm ngừa cho các đối tượng khi có chỉ định nhằm dập tắt ổ dịch, ngăn chặn dịch bùng phát và lan rộng. Nguồn vắcxin sởi từ chương trình tiêm chủng mở rộng được ưu tiên cho trẻ em trong độ tuổi từ 1 – 6 tuổi chưa được tiêm mũi 1 và tiêm cho tất cả nhân viên y tế có độ tuổi từ 35 tuổi trở xuống trực tiếp điều trị bệnh nhân sởi hoặc trực tiếp đi vào ổ dịch. Ngoài ra cũng tiêm phòng cho gia đình người bệnh, người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân. Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ nguồn vắc xin sởi để mở rộng đối tượng tiêm./.