Hiện nay, đang có sự gia tăng đáng báo động về các bệnh mãn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng và lối sống không hợp lý tăng nhanh, nhất là khu vực thành phố. Các bệnh phổ biến như: thừa cân, béo phì, cholesterol máu cao, đái tháo đường. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết như vậy tại lễ ra mắt Khoa khám tư vấn dinh dưỡng số 2 tại 72 phố Trúc Khê, quận Đống Đa, Hà Nội.

Theo TS Lâm, điều kiện sống ngày càng cải thiện đã giúp mọi người quan tâm hơn đến chế độ dinh dưỡng. Việc chăm lo sức khỏe cho con trẻ không chỉ dừng ở phòng, chống bệnh tật mà cả về nâng cao tầm vóc và trí tuệ. Chính vì thế, nhiều bà mẹ đưa con đến gặp các bác sĩ để tham vấn cách nuôi dưỡng trả sao cho khoa học, tránh các bệnh do ăn uống gây ra.

Những người đến khám tại Viện Dinh dưỡng không chỉ có trẻ em mà còn có nhiều người lớn, chủ yếu bị suy nhược cơ thể hoặc béo phì. Còn đa số trẻ em được đưa đến khám có các biểu hiện biếng ăn, chậm tăng cân hoặc béo phì. Đặc biệt có tới 2/3 số trẻ em bị thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu vi tamin D3, có nguy cơ bị yếu xương, thấp còi và dị tật do không thể chuyển hóa và hấp thu canxi.

Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng số 2 sẽ đảm nhiệm các hoạt động khám tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn bị mắc các bệnh suy dinh dưỡng, biếng ăn, còi xương, béo phì và các bệnh chuyển hóa khác như đái tháo đường, gút, mỡ máu cao, và các đối tượng nhiều nguy cơ như phụ nữ có thai, người cao tuổi...

Tiến sỹ Nguyễn Thị Lâm cho biết: “Nhu cầu của cộng đồng đối với các vấn đề dinh dưỡng như thiếu vi chất, vitamin ngày càng tăng cao. Nhiều bà mẹ đã quan tâm đến việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho con để các cháu phát triển thể lực tốt và thông minh hơn”.

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân vẫn chiếm trên 30% cùng các hội chứng biếng ăn, còi xương (cấp hoặc mãn tính) rối loạn tiêu hóa kéo dài. Bên cạnh đó, tỷ lệ người thừa cân ngày một tăng (hiện hơn 5% trẻ em và 10% người lớn bị béo phì)./.