Hơn một năm nay gia đình bà Tạ Huệ Trân, ngụ ở chung cư 242 Phan Văn Khỏe, phường 5, quận 6, TPHCM đã quen với việc sử dụng 2 thùng rác trong sinh hoạt hằng ngày. Việc phân loại rác giúp môi trường sống tốt hơn, các loại chai lọ, giấy vụn có thể gom lại để bán phế liệu.

“Nhà tôi duy trì gần một năm thành thói quen rồi. Nhà cửa vệ sinh hơn, môi trường sống sạch sẽ, gọn gàng. Giờ tôi phân loại rau củ, thức ăn thừa ở một thùng rác riêng, chứ lúc trước chưa phân loại thì tập trung tất vào một thùng”, bà Trân nói.

Ý thức của người dân là vậy, song các công ty chuyên chở rác lại gom chung dẫn tới nỗ lực phân loại rác tại nguồn của người dân trở nên không hiệu quả.

Ông Ngô Như Hùng Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Vietstar cho biết: Công ty xử lý trên 1.200 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Tuy nhiên việc phân loại rác chưa đồng bộ nhất là ở khâu thu gom khiến công ty phải thực hiện phân loại rác lại từ đầu. Ông Việt đề nghị, thành phố cần rà soát lại vấn đề thu gom rác tại nguồn.

Thừa nhận còn hạn chế trong việc phân loại rác, ông Phạm Văn Khanh, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Môi trường Đồng Tâm, đơn vị quản lý thu gom rác trên địa bàn TPHCM cho biết, nguyên nhân là do điều kiện phương tiện chưa đồng bộ, yếu tố con người cũng quyết định việc phân loại rác chưa hiệu quả.

“Về cơ sở mặt bằng, trình độ, kiến thức thu và các mặt khác thì nhiều HTX Môi trường trong liên hiệp chưa chuẩn bị được. Thành ra yếu tố để thời gian để thích ứng, là cần thiết cho các hợp tác xã”, ông Khanh nêu ý kiến.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đến nay chính quyền trên địa bàn thành phố đã phổ biến chương trình phân loại rác đến 238/322 phường, xã, thị trấn, chiếm tỷ lệ 74% toàn địa bàn thành phố. Dù ý thức của một bộ phận người dân đã được nâng lên song hạn chế về cơ sở hạ tầng, phương tiện, địa điểm thu gom khiến chương trình phân loại rác vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, để giảm tải áp lực trong quy định phân loại rác thành phố đang tính tới phương án đơn giản hoá quá trình thu gom.

Quyết định số 12 ngày 17/5/2019 của Ủy ban nhân dân TPHCM về quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đã được thực hiện 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn. Bởi vậy, bên cạnh nâng cao hơn nữa ý thức người dân thì sắp tới TPHCM cần phải giải quyết được các thách thức trên thì mới hy vọng rằng việc phân loại thu gom và xử lý rác là một quy trình đồng bộ và thống nhất./.