Bão qua nhanh, các tỉnh miền Trung đang tập trung phòng chống sạt lở, triều cường và mưa lớn sau bão có thể gây ngập lụt.
Tại tỉnh Quảng Trị, sáng nay trời mưa to và gió giật mạnh ở một số nơi, đến khoảng 10 giờ thì gió lặng. Mưa lớn trong thời gian ngắn, gây ngập cục bộ tại huyện miền núi Đakrông. Một phụ nữ bị nước cuốn trôi khi đang cùng chồng đi xe máy đoạn qua địa phận xã Tà Rụt, huyện ĐakRong, người chồng may mắn thoát nạn. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tìm kiếm nạn nhân. Đêm qua, tỉnh này đã sơ tán gần 18 ngàn người đến các khu vực an toàn để tránh trú bão.
Trung tá Ngô Quang Thiên, Chính trị viên Đồn biên phòng Triệu Vân, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết: "Chúng tôi đã phối hợp với địa phương để di dời những hộ dân có nguy cơ nằm trong vùng bão đến nơi an toàn. Đồng thời phối hợp với địa phương chằng chống nhà cửa cho nhân dân; đưa những hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, người già đến nơi trú ẩn".
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn lưu bão số 5 đã gây thiệt hại ban đầu. Khoảng 9 giờ đến 9h30 cơn bão số 5 đã đổ bộ, gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 kèm theo mưa lớn. Trên Tỉnh lộ 4 đi qua nhiều xã của huyện Phong Điền, cây cối ngã đổ la liệt, cột điện bị đổ sập, gần 100 nhà dân ở các xã Điền Hòa, Điền Hải, Phong Chương… huyện Phong Điền bị tốc mái, hư hại. Tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc và thành phố Huế cây cối gãy đỗ la liệt, nằm ngang giữa đường. Đến thời điểm này hệ thống lưới điện, tỉnh thừa Thiên Huế bị tê liệt; nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở do xâm thực triều cường. Bão số 5 đã làm 1 người chết và 1 người bị thương.
Theo Thiếu tá Trần Bá Hướng, Trưởng Công an thị trấn Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, tốc độ của gió rất lớn. Cơn bão này tàn phá rất mạnh và tất cả hệ thống cây xanh dọc tuyến Quốc lộ 1A đều bị đổ gãy và ảnh hưởng đến an toàn giao thông, ách tác giao thông trên tuyến Quốc lộ cũng như các tuyến chính của thị trấn Phong Điền nên hiện nay lực lượng đã huy động tối đa cùng với bảo vệ dân phố và dân quân để dọn dẹp các tuyến đường được an toàn.
Tại thành phố Đà Nẵng từ sáng sớm nay trời mưa rất to, gió giật liên hồi, sấm sét dữ dội. Đến khoảng 8 giờ sáng, trời đã quang mây, không mưa. Ông Lê Văn Lộc ở phường Thạch Gián, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết: "Mưa từ tối hôm qua đến giờ, trong vòng 2-3 tiếng đồng hồ là bị ngập nước tràn vào các nhà ở mặt tiền. Ngập nước cản trở giao thông đi lại rất khó khăn nhất là đoạn từ Lý Thái Tổ và Hùng Vương và Hàm Nghi đi về hướng Nguyễn Văn Linh".
Đêm qua và rạng sáng nay, tại tỉnh Quảng Nam có nơi mưa rất to, gió mạnh. Đêm qua, địa phương này đã sơ tán hơn 1.000 dân ở các vùng nguy hiểm vào điểm tập trung tránh bão.
Tại thành phố Hội An, Quảng Nam, mưa to gây ngập cục bộ nhiều tuyến phố. Đêm qua, triều cường tiếp tục xâm thực, gây sạt lở nặng bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An, nặng nhất là đoạn bờ biển qua phường Cẩm An. Một dãy nhà hàng, khách sạn khu nghỉ dưỡng dọc biển này bị triều cường đánh sập tường rào, gây xói lở hàm ếch. Bà Nguyễn Thị Nhung, chủ nhà hàng ở bãi biển Hội An, thuộc phường Cẩm An, thành phố Hội An cho biết, đợt bão năm ngoái, hàng quán bị sóng đánh sập, sạt lở, vừa mới gia cố lại thì nay bị xói lở trở lại.
Tại tỉnh Quảng Bình, sáng nay gió nhẹ. Từ chiều hôm qua đến sáng nay, huyện Minh Hóa đã phân bổ khẩn cấp 10 tấn gạo hỗ trợ cho 2 xã Thượng Hóa và Trọng Hóa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đường sá đi lại khó khăn và thường bị cô lập do mưa lũ. Một số xã khác thường bị chia cắt cục bộ khi mưa to, như: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Tiến, Hóa Thanh, huyện Minh Hóa cũng tích cực vận động người dân nhanh chóng trở về nhà.
Ông Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Từ hôm qua, huyện đã phối hợp với 2 đồn biên phòng trên địa bàn để đưa gạo vào dự trữ ở đồn đề phòng mưa lớn gây cô lập. Nếu có mưa lớn xuống thì sẽ gây ngập đường đi vào một số bản. Chắc chắn nếu mưa lớn thì sẽ ngập lụt ở vùng Tân Hóa nên đã cử cán bộ xã thường trực phối hợp với biên phòng để giúp dân”./.