>>  “Hãy là người đàn ông đích thực”

Bạo lực gia đình - “chuyện thường ngày”?

Chị Bùi Thị Kết (ở Hòa Bình) lấy chồng (ở Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) đã gần 15 năm. Trong suốt ngần ấy năm, chị không mấy ngày được sống yên ổn. Chồng chị, anh Trần Tiến Đạt, đã từng có một đời vợ, không có nghề nghiệp ổn định, không có tiền, sinh ra chán nản, rượu chè. Người vợ trước không chịu nổi sự đánh đập của chồng đã phải dứt áo ra đi.

Được mẹ mai mối, anh tái hôn với chị Kết. Nhưng anh vẫn chứng nào tật ấy. Không có ngày nào anh không say, mà khi đã say, chị là người “lĩnh chưởng”: khi thì đấm đá, lúc vớ được cái gì anh ném vào chị cái đó. Thâm tím đầy người, chị chỉ biết chạy sang nhà chị dâu hay chị gái chồng để trốn, để khóc. May cho chị, các anh chị em nhà chồng đều hiểu “bản chất” ông em nên không hắt hủi, ghét bỏ chị, nhưng tuyệt nhiên không có ai “nỡ” trình báo chính quyền.

Chị Kết giờ đã quen, mỗi khi bị chồng đánh đập chị không còn khóc như hồi đầu, mà lẳng lặng ra khỏi nhà, chờ khi chồng qua cơn say, ngủ rồi, chị mới về nhà.

bao-luc.jpg

Câu chuyện bạo hành của chị Kết cũng là câu chuyện của rất nhiều phụ nữ khác. Kết quả “Nghiên cứu Quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam” được Tổng cục Thống kê và Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố mới đây đã rung hồi chuông báo động về tỷ lệ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Phỏng vấn 4.838 phụ nữ từ 18 - 60 tuổi tại Hà Nội, Huế và Bến Tre từ tháng 12/2009 - 1/2010, kết quả khảo sát cho thấy cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình thì 1 người đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Tỷ lệ những người bị bạo lực gia đình ở nội thành cũng cao như khu vực nông thôn; không chỉ phụ nữ dân tộc thiểu số bị bạo lực gia đình, mà phụ nữ dân tộc Kinh có tỷ lệ bị bạo hành gia đình cao thứ hai ở Việt Nam. Trầm trọng hơn, bạo lực gia đình dường như được coi là bình thường, người phụ nữ phải chịu đựng, chấp nhận bạo lực, giữ im lặng cho “yên cửa nhà”.

Quá ít dịch vụ dành cho nạn nhân bạo lực gia đình

Phóng viên VOVNews phỏng vấn bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch HĐQT, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA).

** Thưa bà, một nghiên cứu mới công bố gần đây cho thấy, việc phòng chống bạo lực gia đình chưa được coi là vấn đề xã hội ưu tiên; chưa có một chương trình quốc gia nào tập trung giải quyết vấn đề này. Bà bình luận gì về đánh giá này?

Theo tôi, đánh giá trên đây là có căn cứ. Bởi nếu chúng ta thực hiện tốt công tác phòng chống bạo lực gia đình, đương nhiên vấn đề bạo lực gia đình sẽ được giải quyết tốt hơn, tình trạng bạo lực gia đình sẽ giảm. Những trường hợp bạo lực gia đình nghiêm trọng cũng sẽ giảm bớt.

Trên thực tế, Luật Phòng chống bạo lực gia đình mới ra đời khoảng 3 năm; có hiệu lực mới hơn 1 năm, do vậy các cơ quan chức năng chưa triển khai kịp những chương trình quốc gia về vấn đề này. Được biết, một chương trình quốc gia về bạo lực gia đình vừa được soạn thảo, cần một thời gian đủ để các cơ quan, bộ ngành triển khai.

Tuy nhiên, đánh giá của nghiên cứu trên cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước cần khẩn trương hơn trong việc xúc tiến thực hiện.

** Trong thực tế, dường như bạo lực gia đình đã được bình thường hóa, người phụ nữ phải chịu đựng, chấp nhận bạo lực, giữ im lặng về những tổn thương mà họ đang phải hứng chịu. Xã hội cần làm gì để giúp người phụ nữ phá vỡ sự im lặng đó?

Trước tiên phải thấy rằng khi có một vụ bạo lực gia đình xảy ra, lỗi đầu tiên thuộc về người gây ra bạo lực, xã hội phải lên án đối tượng này chứ không chỉ trích những nạn nhân của bạo lực gia đình vì bất cứ lý do gì. Họ có thể có nhiều điều khó nói trong đời sống gia đình hay trong tính cách…, nhưng khi xảy ra bạo lực gia đình, người gây ra bạo lực gia đình phải là người cần bị lên án. Khi nào chúng ta làm được điều đó, những người bị bạo lực không cảm thấy bị kỳ thị, bị đánh giá họ mới dám nói ra vấn đề của mình.

Bên cạnh đó, dịch vụ dành cho những người bị bạo lực gia đình phải luôn sẵn sàng để nạn nhân có thể tìm đến nhận sự hỗ trợ. Nếu các dịch vụ này không sẵn có, khi chúng ta khuyến khích những người bị bạo lực gia đình nói ra thì ai sẽ là người giúp đỡ họ? Việc nói ra không giải quyết được gì, thậm chí có khi bị kỳ thị, đánh giá, như vậy đương nhiên họ thấy giữ im lặng là tốt hơn cả.

Để tránh điều đó, cả Nhà nước và các cơ quan, đoàn thể cần phải làm mọi việc cần thiết để lên án bạo lực gia đình, đồng thời để cho các nạn nhân của bạo lực gia đình có được một môi trường chia sẻ cởi mở.

Tuy nhiên, thực tế, chúng ta có quá ít các dịch vụ dành cho người bị bạo lực gia đình. Hiện tại, con số nhà tạm lánh được mở ra là quá ít. Không nên nghĩ rằng có nhiều nhà tạm lánh nghĩa là có nhiều bạo lực gia đình; mà để có thêm nhiều dịch vụ sẵn có dành cho các nạn nhân, để hỗ trợ họ, giảm bớt mức độ thiệt hại nặng nề do bạo lực gia đình gây ra. Nhiều nạn nhân vì không có chỗ nào để đi đã phải chịu hậu quả nghiêm trọng hay bị rơi vào tình cảnh vô cùng đáng thương.

Để có thể giảm bớt được các nguy cơ tăng nặng của bạo lực gia đình, công việc này đòi hỏi sự chung tay của rất nhiều tổ chức, ở quy mô cấp Nhà nước; nguồn lực của Nhà nước cũng cần được chia sẻ cho các tổ chức hoạt động chuyên nghiệp về lĩnh vực này. Mặt khác, trách nhiệm xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn thấp. Người ta mới chỉ tập trung vào một số hoạt động như thi hoa hậu, thể thao… để có thể quảng cáo cho tổ chức, doanh nghiệp. Nhưng theo tôi, trách nhiệm xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp cần được nhìn nhận ở mức độ rộng hơn, nó không chỉ là việc làm từ thiện, không chỉ để quảng cáo, mà là để thay đổi cách nhìn nhận vấn đề xã hội, trong đó có bạo lực giới. Sự chung tay góp sức của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước; nhưng mặt khác, Nhà nước cũng cần có một chương trình quốc gia về vấn đề này, vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp cùng tham gia.

** Có thể nói, nam giới là đối tượng chính gây nên bạo lực gia đình. Cần phải thay đổi quan niệm ở nam giới như thế nào để người phụ nữ không còn gặp phải những tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần?

Trong một thời gian dài, đã tồn tại những giá trị rất sai lầm về nam giới. Người ta cho rằng, trong xã hội, nam giới phải là người thành công trong công việc, phải kiếm được nhiều tiền, phải ăn to nói lớn; ở nhà phải chỉ huy được gia đình… đó mới là người đàn ông đáng ca ngợi. Với cách nhìn như thế, nếu tiếp tục duy trì hình mẫu người đàn ông này, xã hội sẽ còn rất nhiều ông chồng gia trưởng, và như vậy bạo lực gia đình sẽ còn xảy ra.

Để thay đổi cách nhìn này của xã hội, cần có nhiều chương trình vận động để thay đổi một số giá trị, hình mẫu cũ về người đàn ông; tôn vinh hình mẫu người đàn ông biết chia sẻ, thương yêu và trách nhiệm.

Người đàn ông được tôn vinh không chỉ bởi họ làm tốt công việc xã hội, trong gia đình, anh ta còn biết chia sẻ với các thành viên khác trong gia đình; đối xử công bằng, biết thương yêu và có trách nhiệm với các thành viên trong gia đình… đó là những giá trị tốt đẹp mà mỗi người đàn ông cần có. Trách nhiệm của xã hội là tuyên truyền để những giá trị tốt đẹp đó được phổ biến rộng rãi thay thế những hình mẫu cũ, mang tính định kiến trước đây.

Anh Hoàng Bình Triển và vợ cùng chứng nhận người đàn ông hiện đại không bạo lực

Hạnh phúc là khi có sự sẻ chia

Tại Hà Nội vừa diễn ra triển lãm “Tôi là người đàn ông đích thực” nhằm tổng kết chiến dịch truyền thông vận động nam giới nói không với bạo lực gia đình của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA). Trong chiến dịch này, gia đình anh Hoàng Bình Triển, giáo viên Vật lý ở Quảng Bình, đã giành giải Nhất với hình mẫu người đàn ông hiện đại không bạo lực.

Gần 6 năm lập gia đình, nhưng anh Triển “hãnh diện” vì chưa bao giờ dùng vũ lực với vợ. Cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi những lúc “bát đĩa xô nhau”, nhưng anh luôn tâm niệm: “Tôi không tạo cho mình những quy chuẩn về “người đàn ông đích thực”, nhưng đã là người đàn ông, người chồng, người bố trong gia đình, tôi thấy mình phải có trách nhiệm giữ không khí gia đình luôn vui vẻ, hòa thuận. Không cần phải làm những việc đao to búa lớn, chỉ là dành cho vợ, con sự quan tâm, chăm sóc”.

Anh tâm sự, “bí quyết” để có được hạnh phúc gia đình là khi người đàn ông biết sẻ chia trách nhiệm. “Một lần trong khi mình cặm cụi giúp vợ rửa bát, dọn nhà, còn cô ấy mải mê xem tivi, tôi thấy tự ái vô cùng. Nhưng tôi cũng chợt nhận ra rằng, thực ra mình luôn được ngồi xem tivi, còn cô ấy mới thường xuyên làm việc nhà. Kể từ hôm đó, tôi chủ động giúp vợ nhiều hơn trong công việc gia đình”, anh Triển bộc bạch.

Cùng chung quan điểm với anh Triển, rất nhiều sinh viên nam tham dự triển lãm “Tôi là người đàn ông đích thực” cũng cho rằng hình mẫu người đàn ông lý tưởng đó là biết chia sẻ và gánh vác công việc, trách nhiệm trong gia đình. Bạn Phạm Văn Đồng (Đại học Lao động-Xã hội) cho rằng, có rất nhiều cách khác nhau để giải quyết bất đồng trong gia đình mà nam giới không cần dùng tới bạo lực. Không chỉ biết thương yêu, chia sẻ, mà người đàn ông của gia đình còn phải biết nghĩ cho mọi người chứ không chỉ nghĩ cho riêng mình; biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến của các thành viên gia đình.

Bạn Phùng Đức Nam (Đại học Y) cho rằng, người đàn ông vì bất cứ lý do gì dùng vũ lực với phụ nữ là không thể chấp nhận. Với sức mạnh do tạo hóa ban tặng, người đàn ông hãy sử dụng nó để che chở, bảo vệ và là chỗ dựa tin cậy cho người phụ nữ.

Bản chất của gia đình là yêu thương, chia sẻ. Những người chồng gia trưởng hãy thay đổi cách nhìn, quan điểm của mình khi còn chưa quá muộn để giúp những đứa con của họ, những cậu bé, thanh niên - thế hệ đàn ông tương lai sẽ trở thành những người đàn ông thực thụ, biết tôn trọng phụ nữ./.