Thời gian gần đây, lại xuất hiện tình trạng ngày nào cũng có hàng trăm ôtô chở dưa hấu từ các tỉnh miền Trung ra để xuất sang Trung Quốc nằm lại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Xe ách tắc, dưa hư hỏng, thiệt hại lại đổ lên đầu thương lái và nông dân.

Có điều là cảnh này lặp đi lặp lại nhiều năm mà xem ra chưa có hướng giải quyết. Làm gì để nông sản Việt Nam không phải ăn đợi nằm chờ ở các cửa khẩu, làm gì để người nông dân có thể ngẩng cao đầu với thành quả lao động của mình?.

Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, mỗi ngày cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) lại ùn ứ hàng trăm ôtô chờ làm thủ tục xuất hàng sang Trung Quốc, chủ yếu là dưa hấu với khối lượng từ 5- 6.000 tấn. Càng về chính vụ, lượng xe chở dưa từ các tỉnh miền Trung dồn về Tân Thanh càng nhiều, trong khi khu bãi chợ Pò Chài phía Trung Quốc lại chật hẹp nên nguy cơ ùn tắc tại cửa khẩu càng trầm trọng hơn.

dua-1.jpg

Từng đoàn xe dưa xếp hàng chờ thông quan sang Trung Quốc  qua cửa khẩu Tân Thanh

Điều đáng nói là tình trạng này xảy ra đã hơn 10 năm nay, khi vùng đất miền Trung nắng lửa lại tỏ ra thích hợp với cây dưa hấu. Đã có một thời, cây dưa hấu đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng cho một hecta đất bạc màu sau 3 tháng chăm nom. Nhiều gia đình giàu có nhờ dưa. Thế rồi, bao hệ lụy bắt đầu xuất hiện khi nhà nhà đổ xô đi trồng dưa.

Mùa thu hoạch rộ, dưa chất đống tại ruộng, dưa xếp hàng dài bên quốc lộ chờ xe. Nên cùng trồng dưa nhưng chỉ cần trước sau chừng nửa tháng, người giàu có, kẻ trắng tay với cây dưa là thường. Như năm nay, giữa tháng 3, giá dưa tại miền Trung từ 7.000– 8.000 đ/kg thì bây giờ, chỉ còn chưa đến 2.000đ. Người trồng dưa lỗ nặng, cánh thương lái buôn dưa cũng chỏng vó vì xe bị tắc ở cửa khẩu, hàng ứ đọng phải bán đổ bán tháo quay về. Đó là chưa kể dưa hấu Việt Nam thường xuyên bị thương lái Trung Quốc ép cấp ép giá, mà nguyên nhân nhiều khi là tại nông dân.    

Đầu mùa thấy dưa được giá, có người hám lợi, bơm nước vào ruộng cho dưa nặng cân. Nhưng lợi bất cập hại, dưa bị đen ruột và chậm chín, thương lái Trung Quốc trừ trọng lượng và hạ giá mua. Lối sản xuất tuỳ tiện, canh tác theo tập quán cũ; quy mô sản xuất manh mún, chất lượng giống không cao, dẫn đến chất lượng dưa hấu của Việt Nam không đảm bảo: quả xanh, quả chín, trái vàng, trái xanh lẫn lộn, quy cách thì "lởm khởm" với kích cỡ to, nhỏ chênh lệch quá lớn cũng là nguyên nhân để thương lái Trung Quốc tăng cường kiểm soát, chậm nhập hàng, càng gia tăng tình trạng ùn ứ xe ở cửa khẩu. 

Điều khó hiểu là trong khi dưa hấu ì ạch qua biên giới thì ở miền Trung, diện tích loại cây này vẫn liên tục mở rộng. Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết năm nay, diện tích dưa hấu của tỉnh chừng 2.000ha, tương đương 130.000- 140.000 tấn quả. Ngoài ra, tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai… tỉnh nào cũng có từ 50-100 xe dưa (20-25 tấn dưa/xe) chở ra cửa khẩu Tân Thanh mỗi ngày để bán qua Trung Quốc.

Bao giờ hết cảnh "ăn chực nằm chờ"?

Đâu chỉ dưa hấu, những loại trái cây đặc sản như vải, nhãn, xoài của Việt Nam cũng thường xuyên phải bán đổ bán tháo, một khi việc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp trục trặc. Cách "đánh" hàng theo chuyến, buôn bán theo mùa, theo vụ xem ra không còn phù hợp với thời buổi hội nhập kinh tế quốc tế.

Vì lợi ích trước mắt, nông dân có thể mạnh ai nấy làm theo kiểu “thấy người ăn khoai mình cũng vác mai đi đào”. Nhưng để xảy ra cảnh hoa quả ùn ứ hàng ngàn tấn mỗi ngày ở Tân Thanh khi vào vụ, rõ ràng chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp chưa làm tròn trách nhiệm của mình trong vai trò thực hiện quy hoạch sản xuất ở nông thôn.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Mạnh Hải, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, để tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều năm, “lỗi không phải hoàn toàn do người nông dân mà là do hệ thống các cơ quan nghiên cứu khoa học và hệ thống khuyến nông chưa có sự quan tâm, hướng dẫn một cách bài bản quy trình kỹ thuật canh tác cho bà con, kể cả cách lựa chọn giống đến khâu chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch".

Hãy chung tay vì sự phát triển của một nền nông nghiệp hiện đại, để nông dân Việt Nam không còn đơn độc trên đồng ruộng, để nông sản làm ra không còn cảnh “ăn chực nằm chờ” ở cửa khẩu sau mỗi mùa thu hoạch. Có như vậy chúng ta mới có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Mà quan trọng nhất là đạt mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống  cho nông dân./.