Tại phiên họp chuyên đề thứ 6, Tiến sĩ Estonillo của Đại học Philippines đã phân tích về khái niệm nhà báo công dân, động cơ của họ, đề cập đến thực tiễn này ở Philippines và giới thiệu về cách thức tận dụng nhóm này cho các hoạt động của cơ quan báo chí. Còn chuyên gia Rachel Khan của AMIC và Freeman của Đại học Nanyang (Singapore) trình bày sâu về sự tương tác trong phát thanh nói riêng và qua mạng xã hội nói chung.

lqt_1246.jpg
Diễn giả Melba Estonillo đến từ Philippines

Đại diện của trường Điện ảnh, Truyền hình và Phát thanh Australia thì so sánh các nhà báo kỳ cựu với các nhà báo trẻ, và bàn luận cách thức thuyết phục các “cây đa cây đề” trong báo chí đánh giá đúng mức giá trị của truyền thông xã hội.

Phiên thảo luận thực sự động chạm đến nhiều vấn đề nóng như thông tin từ các trang mạng xã hội đáng tin cậy đến đâu, nhà báo “chuyên nghiệp” phải làm gì để đảm bảo có thông tin chất lượng, khách quan khi khai thác từ đó?

Khá nhiều đại biểu phía dưới khán phòng đã đặt câu hỏi với các diễn giả. Đại diện của VOV, ông Đồng Mạnh Hùng – Giám đốc kênh VOVTV, đã nêu ra vấn đề về bảo vệ nguồn tin trên mạng xã hội (khi liên quan đến các cuộc điều tra chẳng hạn) và về việc sản xuất tin độc quyền cho phát thanh như thế nào khi các đài cùng khai thác các nguồn là mạng xã hội. Một số ý kiến trăn trở liệu sự sẵn có của internet và truyền thông xã hội có làm nảy sinh bệnh… lười ở nhà báo chuyên nghiệp hay không.

Các diễn giả đã trả lời và thảo luận mở rộng thêm về những vấn đề trên. Đa số cho rằng cần phải tìm sự cân bằng, phải kiểm chứng kỹ để tạo ra sản phẩm cuối cùng đạt yêu cầu về nghiệp vụ. Về chuyện “lười”, có ý kiến cho rằng, quá trình trao đổi dữ liệu giữa mạng xã hội và phát thanh là 2 chiều, chứ không đơn thuần chỉ là đi từ mạng xã hội đến phát thanh./.