Ngày 22/5, Bộ Y tế đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch cúm A(H1N1), dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả và các biện pháp đã triển khai. Bộ Y tế xác định, đến nay tại Việt Nam, chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân cúm A(H1N1).

Từ ngày 25/4/2009 đến nay, tại 17 cửa khẩu đường không, đường bộ, đường thủy (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lạng Sơn, Tây Ninh, Quảng Trị, An Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Kon Tum, Kiên Giang, Lai Châu, Hà Tĩnh, Hà Giang, Quảng Ngãi, Điện Biên), lực lượng chức năng đã giám sát 349.112 hành khách nhập cảnh từ Mỹ, Mexico và một số quốc gia khác; phát hiện 63 trường hợp nghi ngờ cúm A/H1N1 và tổ chức cách ly. Kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả những trường hợp này đều âm tính với cúm A/H1N1.

Cũng theo Báo cáo của Bộ Y tế, dự báo, trên thế giới, số trường hợp mắc mới tăng lên nhanh, hàng ngày có khoảng 400-1.000 trường hợp dương tính mới. Châu Á đã ghi nhận tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan đặc biệt tại Nhật Bản, số người nhiễm cúm gia tăng nhanh hàng ngày và đã có hiện tượng lây truyền từ người sang người tại cộng đồng. Trong khi đó lượng hành khách nhập cảnh Việt Nam lớn, trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000-5.000 hành khách nhập cảnh Việt Nam từ các khu vực có dịch trong đó có thể có bệnh nhân cúm A/H1N1 chưa biểu hiện bệnh. Chính vì vậy, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.

Bộ Y tế cũng cho biết, vùng dịch cúm A/H1N1 trên thế giới ngày càng tăng, số người cần phải cách ly ngày càng nhiều; trong khi đó các điểm cách ly tại nước ta không thể đáp ứng được, đặc biệt là tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Người cách ly có quốc tịch từ nhiều quốc gia, nhiều thành phần khác nhau, nhu cầu và yêu cầu sinh hoạt ăn uống cao, nếu không đáp ứng sẽ khó khăn trong việc thực hiện cách ly 7 ngày theo quy định. Trong trường hợp dịch cúm xâm nhập vào Việt Nam, nhu cầu kinh phí để triển khai các hoạt động chống dịch là rất lớn, đặc biệt cho các hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch, điều trị bệnh nhân và truyền thông tại cộng đồng. Tuy nhiên đến nay, lượng kinh phí chưa đáp ứng đủ nhu cầu chống dịch.

Từ ngày 19-21/5/2009 có 3 trường hợp tiêu chảy dương tính với phẩy khuẩn tả tại tỉnh Vĩnh Phúc trong số 163 trường hợp tiêu chảy cấp được báo cáo tại 10 tỉnh, thành phố. Như vậy, đến nay Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xác định: cả nước ghi nhận 56 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả; còn các trường hợp khác vẫn đang trong thời gian xét nghiệm nên chưa có kết quả. Hiện dịch tiêu chảy cấp tại một số tỉnh, thành phố có xu hướng chững lại do thực hiện quyết liệt các biện pháp chống dịch, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở cung cấp, chế biến và bán thịt chó như Hà Nội, Hải Phòng. Do điều kiện vệ sinh tại một số địa phương chưa tốt, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, hơn nữa trong điều kiện giao lưu qua lại giữa các khu vực ngày càng gia tăng, thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều dễ gây ngập lụt tạo điều kiện cho việc phát tán mầm bệnh nên trong thời gian tới có thể sẽ ghi nhận thêm một số tỉnh rải rác có trường hợp mắc tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả.

Trước tình hình dịch cúm A/H1N1 có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam và dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang có nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng, Bộ Y tế đã yêu cầu hệ thống giám sát sàng lọc tại cửa khẩu, chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế các tỉnh giám sát chặt chẽ các hành khách cùng chuyến bay về Việt Nam với trường hợp Lê Thị B. (người Việt Nam bị giữ và cách ly tại Hàn Quốc do có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H1N1 và tăng cường giám sát người nhập cảnh Việt Nam từ các vùng có dịch. Đồng thời, tổ chức họp Trưởng các Tiểu ban – Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm ở người thảo luận về các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1 trong trường hợp dịch xâm nhập và phát triển tại Việt Nam. Bộ Y tế cũng đã cử đoàn công tác kiểm tra về công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 và dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, kiểm tra về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại 11 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Để công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, Bộ Y đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các đơn vị, địa phương được bố trí và có ngân sách chi cho các hoạt động chẩn đoán, cách ly bắt buộc tại cơ sở khám, chữa bệnh; Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Công an cửa khẩu, Tổng cục hàng không dân dụng Việt Nam thông báo sớm về hành khách đi từ vùng dịch về Việt Nam cho Bộ Y tế để kịp thời theo dõi các trường hợp nguy cơ cao. Đồng thời cho ý kiến về các kiến nghị của Bộ Y tế tại Công văn số 2720/BYT-KH-TC ngày 06/5/2009 về việc bổ sung kinh phí phòng chống dịch cúm A(H1N1) và Báo cáo số 411/BC-BYT ngày 12/5/2009 báo cáo tình hình dịch cúm A(H1N1), dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả để Bộ Y tế chuẩn bị sớm công tác phòng chống dịch.

Chiều cùng ngày, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết: Đến nay, cả nước đã có 15 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Hòa Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nghệ An và Yên Bái)./.