Giữa bộn bề của những ngày cận Tết, đâu đó trong những “ngõ nhỏ, phố nhỏ” của thủ đô Hà Nội vẫn ấm cúng ánh lửa hồng, cùng tiếng cười đùa của trẻ thơ bên những nồi bánh chưng đón Tết.

Gói bánh chưng đón Tết đã trở thành một hình ảnh sâu đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây khi tốc độ đô thị hóa cao, không gian sống ngày càng thu hẹp, nếp sống công nghiệp khiến nhiều người bận rộn hơn, hầu hết các gia đình ở các thành phố lớn không còn cơ hội quây quần quanh nồi bánh chưng Tết. Mỗi nhà chỉ cần mấy chiếc bánh đặt trên bàn thờ gia tiên nên các gia đình thường đi mua cho tiện.

Truyền thống gói bánh chưng Tết bắt đầu quay trở lại vài năm trước, khi các cơ quan chức năng phát hiện một số cơ sở sản xuất dùng pin để luộc bánh chưng. Tết Quý Tỵ này, nhiều bạn trẻ là học sinh phổ thông, hoặc sinh viên đã biết cùng nhau quyên góp, gói những nồi bánh lớn để mang hương vị Tết tặng những người vô gia cư, gia đình nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thành phố Hà Nội và cả những trẻ em nghèo ở vùng sâu vùng xa.

Những chiếc bánh chưng xanh, dù không có giá trị nhiều về mặt vật chất, nhưng chứa đầy tình cảm trong sáng, tinh thần đùm bọc của lứa tuổi học trò thủ đô, đánh thức những giá trị truyền thống về cái Tết của sự sẻ chia, ấm áp tình người.

Có lẽ đây cũng là duyên cớ mà những cái Tết gần đây, nhiều người dân thủ đô đã cố gắng sắp xếp một khoảng thời gian trong những ngày bận rộn, để cả gia đình quây quần gói và luộc bánh chưng Tết. Trong các phiên chợ Tết Hà Nội, những gánh lá dong xanh, bó lạt giang mềm mại giờ đã không còn lạc lõng, mà ngày càng có nhiều bà, nhiều mẹ ghé mua hơn.

Chị Nguyễn Thị Hiền, ở khu tập thể phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Khi tập trung gia đình để gói bánh chưng, các con cháu rất rất vui vẻ, vì vừa được chơi, vừa được xem người lớn gói bánh lại vừa hiểu biết hơn là ngày Tết thì khác ngày thường như thế nào. Trẻ con có được những giây phút như thế thì mình cảm thấy tuổi thơ của chúng có ý nghĩa hơn”.

Nhà ông Trần Văn Hiền, ở phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm tuy khá chật chội nhưng vì muốn duy trì không khí Tết truyền thống nên năm nào đại gia đình ông cũng tổ chức gói bánh chưng đón Tết:“Hầu như năm nào tôi cũng phải gói mấy chục cái. Một phần vì an toàn thực phẩm, phần do nhà đông con cháu. Con cháu đến tập trung và rất thích xem gói bánh. Gói xong thì nhà nào mang về nhà nấy và bố mẹ cũng vui”, ông Hiền nói.

Bà Trần Thúy Ngọc, ở phường Nam Đồng, quận Đống Đa năm nay cũng dành thời gian làm một nồi bánh Tết. Bà Ngọc chia sẻ, làm bánh thì mất nhiều thời gian, công sức hơn nhưng mang lại niềm vui cho chồng, con và gia đình nên bà rất phấn khởi.

Còn đối với trẻ em, từ chiếc bánh hiếu thảo của “hoàng tử Lang Liêu” tới nồi bánh chưng của gia đình, thực sự là một trải nghiệm hấp dẫn, là món quà Tết ý nghĩa mà các bậc ông bà, cha mẹ, người lớn dành tặng. Không phải chỉ là sự háo hức chờ đợi để được ăn chiếc bánh con mà bố mẹ ưu ái dành cho, trẻ em còn cảm nhận được không khí đầm ấm đặc biệt khi cả gia đình có mặt đông đủ, vui vẻ cùng làm một công việc ý nghĩa đón chào năm mới.

Không phải trẻ em nào ở Hà Nội cũng may mắn được hưởng trọn vẹn không khí Tết và không phải gia đình nào cũng sắp xếp được thời gian, có được không gian thuận lợi để gói, luộc bánh. Thế nhưng sự xuất hiện ngày càng nhiều những nồi bánh chưng truyền thống giữa lòng thủ đô những ngày giáp Tết, cho thấy có rất nhiều người mong muốn giữ mãi những giá trị văn hoá về Tết truyền thống của dân tộc./.