Đồng bào Hà Nhì nơi đây đã nén lại đau thương, bắt tay vào công việc ruộng nương thường nhật, để đám trẻ thơ lại hồn nhiên cắp sách đến trường.

Bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ (Lai Châu) với những nếp nhà xây, nhà trình tường san sát nằm ém mình bên sườn núi. Không gian tĩnh lặng, đau thương hôm nào giờ đây đã bị phá vỡ bởi những nhóm trẻ nô đùa, chơi những trò chơi dân gian ngay đầu bản. Những đốm lửa hồng rực, hòa trong tiếng nói cười của người già, con trẻ nơi sân nhà như đã xua tan giá lạnh mùa đông miền sơn cước.

ban_ta_chai_1_vov_chjq.jpg
Bà con đã yên tâm lao động, sản xuất để phát triển kinh tế.

Như nhiều gia đình khác trong bản, ngôi nhà xây mái bằng kiên cố của gia đình Phu A Sử, một trong những nạn nhân của vụ ngộ độc thực phẩm tập thể vừa qua, hôm nay cũng có rất đông người tới chơi. Bà con tới động viên, chia buồn với gia đình để mong muốn cùng vượt qua nỗi đau mất mát và mừng cho hai anh em Sử vừa được xuất viện về nhà. Trong vụ ngộ độc vừa qua, gia đình Sử có 3 người ảnh hưởng, bố mất, hai anh em phải nằm viện điều trị dài ngày và đã vượt qua được để về đoàn tụ với mẹ già, vợ con. 

Anh Phu A Sử chia sẻ: Từ khi bố anh là ông Phu Vần Lẻng mất, đã kéo theo nhiều người trong bản thiệt mạng và đi viện. Dù sự việc xảy ra ngoài ý muốn, nhưng gia đình anh cảm thấy có lỗi nhiều với bà con trong bản. Chứng kiến chuyện buồn của gia đình anh lại liên lụy sang nhiều gia đình khác, anh chỉ muốn khóc. Bà con trong bản bây giờ đã động viên nhau vượt qua. Cuộc sống cũng đã bắt đầu trở lại bình thường với bà con dân bản và không còn uống rượu như trước nữa. Anh sẽ cùng gia đình cố gắng quên đi để cùng bà con trong bản lo làm ăn.

Nhờ sự nỗ lực vào cuộc, hỗ trợ, động viên của cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn, nhiều hộ dân đã rời lán nương về gia đình ổn định cuộc sống.

Phu A Sử nói: “Trước kia trong bản có đám ma, đám cưới bà con làm lý một hai đêm rồi uống rượu thoải mái thôi. Họ hàng và hàng xóm uống rượu nhiều lắm, ban ngày uống, buổi tối uống, rồi đêm khuya cũng uống, nhưng mà bây giờ ở trong bản đều không dám uống rượu nữa đâu. Từ khi ra viện, tôi và bà con đều có sức khỏe tốt, sinh hoạt và đi làm bình thường. Bây giờ bà con ở trong bản và bản thân tôi ai cũng sợ rượu rồi”.

Như vậy, vụ ngộ độc tập thể do ăn uống tại đám tang đã làm 8 người trong bản Tả Chải thiệt mạng, gần 100 người nhập viện cấp cứu, đến nay đã khép lại. Nạn nhân cuối cùng là ông Chang A Hờ cũng đã xuất viện về nhà khi sức khỏe đã ổn định. Một số đàn ông khỏe mạnh đã đi nương, đi rừng; số khác thì ở nhà lo chăn nuôi, dệt vải, khâu vá. Cuộc sống bình yên đã thực sự trở lại bản Tả Chải trong sinh hoạt đời thường và tiếng cười đã thường trực trên môi người dân nghèo nơi đây.

Phụ nữ đã quay trở lại với công việc thường nhật se tơ, dệt vải.
Vui mừng vì bản làng mình đã yên bình trở lại sau mất mát, ông Ma Gà Pô, Trưởng bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải cho biết: “Trước kia mỗi khi có đám ma, đám cưới, bà con trong bản thường tổ chức ăn uống 3 - 4 ngày. Ở đó bà con cũng sử dụng rất nhiều rượu, làm ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều. Từ khi xảy ra ngộ độc, bà con trong bản đã ký cam kết với xã không tổ chức ăn uống dài ngày ở đám ma, đám cưới nữa. Bà con trong bản cũng đã thấy sợ rượu rồi, bây giờ chỉ lo làm ăn thôi”.

Sau sự cố ngộ độc, nhiều người dân trong bản Tả Chải thiệt mạng và đi viện, người dân nơi đây hoang mang, lo sợ vì cho rằng dịch bệnh đã về bản, con ma rừng cướp đi nhiều người. Nhiều gia đình đã đưa nhau đi ở lán nương, khiến vụ việc có diễn biến phức tạp. Trước khó khăn của người dân, ngay trong đêm 13/2, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng ở địa phương đã có mặt, kịp thời động viên hỗ trợ ban đầu cho các gia đình người gặp nạn. Sự quan tâm, hỗ trợ về vật chất, tinh thần và tích cực cấp cứu các nạn nhân là nguồn động viên lớn để bà con ổn định lại tinh thần, vượt qua nỗi đau. 

Cuộc sống bình yên đã trở lại với người dân.

Ông Ma A Gà, Chủ tịch UBND xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ chia sẻ: “Sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng và các cơ quan đã vào cuộc. Sau đó là xã cùng với các ban, ngành, đoàn thể của huyện và lực lượng chức năng đi làm vận động cho bà con. Hiện tại là cuộc sống của bà con đã ổn định, tất cả các hộ mất mát bây giờ cuộc sống đã trở lại bình thường. Kể cả những trường hợp đi cấp cứu bẫy giờ cũng đã về hết rồi, bà con đã ổn định cuộc sống rồi, đi làm ăn và không phải lo nghĩ về chuyện đó nữa”.

Nỗi đau mất mát dần lùi xa, giờ đây với đồng bào Hà Nhì ở bản Tả Chải, rượu không còn được sử dụng nhiều như trước. Cuộc sống bình yên đã thực sự trở lại với niềm vui trong lao động, chăm lo sản xuất để hướng tới cuộc sống ấm no, bình yên và đủ đầy hơn./.