Tại dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông vừa được trình Chính phủ, Bộ Công an đề xuất rút thời hạn cấp Giấy phép lái xe (GPLX) từ 10 năm như hiện nay đang được Bộ GTVT quy định xuống còn 5 năm.

lx1_GNQS.png
Bộ Công an bất ngờ đề xuất rút ngắn thời hạn GPLX hạng B xuống còn 5 năm. Ảnh minh họa

Cụ thể, tại Khoản 9 Điều 46 dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ về thời hạn GPLX quy định: GPLX các hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. GPLX hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Với nhiều lái xe, họ rất ngỡ ngàng không rõ đề xuất rút thời hạn GPLX xuống 5 năm để làm gì, trong khi đó việc này có thể gây thêm nhiều thủ tục không cần thiết. Còn các chuyên gia giao thông và kinh tế cho rằng, cần làm rõ mục đích của đề xuất rút ngắn thời hạn GPLX để làm gì? Bởi đây là chính sách có tác động đến rất nhiều người, cần phải có sự nghiên cứu thật kỹ để tránh gây ra sự phiền hà, tốn kém cho người dân mà hiệu quả quản lý Nhà nước lại không cao.

Người dân, chuyên gia cho rằng không phù hợp

Anh Đàm Văn Chung, quê ở Xuân Trường, Nam Định, hiện đang thuê nhà ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội để chạy taxi cho biết, đối với người sử dụng GPLX để xin việc và mưu sinh như anh thì thường xuyên xa nhà, phải liên tục di chuyển trên quãng đường dài nên mỗi lần làm thủ tục cấp lại GPLX sẽ không chỉ tiêu tốn thời gian mà còn ảnh hưởng đến thu nhập, cuộc sống của mình.

“Mỗi lần làm thủ tục cấp lại GPLX phải mất 10 ngày (đối với trường hợp quá hạn dưới 3 tháng) và mất 60 ngày (đối với trường hợp quá hạn trên 3 tháng), trong quãng thời gian này người làm thủ tục cấp lại bằng không được sử dụng GPLX mình đang có. Điều này sẽ dẫn tới ảnh hưởng công việc cho lái xe", anh Chung nói.

Với nhiều lái xe, họ rất ngỡ ngàng không rõ đề xuất rút thời hạn GPLX xuống 5 năm để làm gì, trong khi đó việc này có thể gây thêm nhiều thủ tục không cần thiết.

Theo anh Chung, hàng năm, lái xe đều được kiểm tra sức khỏe, đồng thời phải tự cập nhật các quy định mới khi tham gia giao thông. Nếu vi phạm thì bị cơ quan quản lý xử phạt rất nặng nên mỗi lái xe đều có ý thức trong vấn đề này.

Anh Chung cho rằng, thay vì việc quy định thời hạn GPLX thì cơ quan chức năng nên có chế tài mạnh hơn trong việc giám sát các đơn vị vận tải hoặc xử phạt lỗi vi phạm khi tham gia giao thông của các tài xế. Như thế, vừa mang tính thiết thực, đi thẳng vào ý thức của lái xe hơn là việc cấp lại GPLX chỉ mang tính thủ tục như hiện nay.

“Nếu việc cấp lại bằng chỉ để kiểm tra sức khỏe và cập nhật kiến thức cho lái xe là không phù hợp. Bởi điều này đã được làm thường xuyên, đồng thời chính đơn vị nơi lái xe làm việc cũng chủ động thực hiện điều này", anh Chung bày tỏ.

Theo chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc NXB GTVT cho rằng, đề xuất rút thời hạn GPLX từ 10 năm xuống còn 5 năm không mới, năm 2017 Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cũng từng đưa ra đề xuất này nhưng vấp phải nhiều sự phản đối từ các nhà chuyên môn.

Vị chuyên gia giao thông này cho rằng, việc xác định thời hạn GPLX cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng. Bởi chưa có thống kê nào chỉ rõ nguyên nhân của tai nạn giao thông là do những người sử dụng GPLX trên 5 năm nhiều hơn những người sử dụng GPLX dưới 5 năm.

Nhiều người dân sợ thủ tục rườm rà mỗi lần đi cấp đổi GPLX.

Trong khi đó, thủ tục cấp đổi GPLX hiện khá phức tạp, nhiều khi cơ quan cấp đổi ở xa nơi cư trú của người có GPLX, công nghệ thông tin trong việc cấp đổi GPLX chưa đồng bộ... 

"Đề xuất rút thời hạn xuống 5 năm sẽ thêm thủ tục, làm phiền người dân. Hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân cũng có thời hạn 10 - 15 năm. Việc rút ngắn thời hạn, yêu cầu thêm khám sức khỏe sẽ phát sinh chi phí hành chính rất lớn, hàng triệu người phải đi làm lại thủ tục, thêm 1 giấy khám sức khỏe. Trong khi GPLX 5 năm phải đổi nhằm mục đích gì, nếu thực hiện sẽ gây lãng phí tốn kém công sức, chi phí, thời gian của người dân", ông Thủy nói.

Nên giảm bớt thủ tục phiền hà, tăng chế tài quản lý

Nói về đề xuất rút ngắn thời hạn của GPLX, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hiện nay GPLX các hạng B1 và B2 có thời hạn là 10 năm, các hạng GPLX ô tô khác có thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, các hạng khác số lượng không nhiều mà chủ yếu là lái xe hạng B1 và B2.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, việc rút ngắn thời hạn, yêu cầu thêm khám sức khỏe sẽ phát sinh chi phí hành chính rất lớn, hàng triệu người phải đi làm lại thủ tục, thêm 1 giấy khám sức khỏe.

"Đối với người còn trẻ, sức khỏe ổn định mà rút thời hạn xuống 5 năm sẽ gây lãng phí, tốn kém, không cần thiết cho người dân. Thời hạn GPLX hạng B giữ nguyên như hiện nay là hợp lý", ông Quyền nói.

Còn chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, Luật Giao thông đường bộ và các nghị định của Chính phủ đã quy định thời hạn đổi GPLX từ 5 năm trước đây lên 10 năm và đã thực hiện nhiều năm nay. Việc này giúp cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân.

"Đề xuất rút thời hạn xuống 5 năm sẽ thêm thủ tục, làm phiền người dân. Hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân cũng có thời hạn 10 - 15 năm. Việc rút ngắn thời hạn, yêu cầu thêm khám sức khỏe sẽ phát sinh chi phí hành chính rất lớn, hàng triệu người phải đi làm lại thủ tục, thêm 1 giấy khám sức khỏe. Trong khi GPLX 5 năm phải đổi nhằm mục đích gì, nếu thực hiện sẽ gây lãng phí tốn kém công sức, chi phí, thời gian của người dân", ông Thanh nói.

Cùng quan điểm, TS Phan Lê Bình cho rằng, việc rút ngắn nhằm mục đích gì. Trong 10 năm chỉ phải đổi lại GPLX 1 lần thì nay phải đổi hai lần gây phiền toái, tốn kém cho người dân.

"Nếu cơ quan quản lý nhà nước có mục đích rõ ràng trong đổi GPLX là cập nhật kiến thức cho người dân thì việc đổi mới có ý nghĩa. Tại Nhật, mỗi lần muốn đổi GPLX, người lái xe bắt buộc phải học lại để cập nhật những kiến thức mới về ATGT", TS Phan Lê Bình nhìn nhận.

Trong khi đó, theo ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam – Bộ GTVT) cho biết, tại dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, Bộ GTVT cũng đã đề xuất giữ nguyên thời hạn GPLX như hiện nay./.