Quy hoạch và thi công đường để nước chảy từ đường vào nhà dân, nhiều đơn vị cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm nhưng mỗi ngày người dân thêm lo lắng không biết mua gì, ăn gì đảm bảo... Đó là những vấn đề làm nóng phiên thảo luận tại hội trường sáng 4/8 của kỳ họp thứ 2 Hội đồng Nhân dân TP HCM khóa 9.

Bất cập về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đã được nhiều đại biểu đưa ra thảo luận. Đại biểu Nguyễn Thị Nga cho rằng, hiện dư luận quan tâm việc thành lập cơ quan chuyên ngành về an toàn thực phẩm, tiến độ đang thực hiện đến đâu. Có những biện pháp gì để người dân có thể tin tưởng rằng, sau khi cơ quan này được thành lập, vấn đề thực phẩm bẩn sẽ được kiểm soát tốt hơn.

Trả lời những thắc mắc này, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, đã tiến hành kiểm tra 2.900 cơ sở bếp ăn tập thể và chỉ có 11,5% cơ sở vi phạm.

Tuy nhiên, chưa hài lòng với những giải pháp mà người đứng đầu ngành y tế thành phố đưa ra, Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố cho rằng, hiện nay, sự kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm cho sinh viên chưa được chú trọng đã gây nhiều ca ngộ độc, đặc biệt là ở Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM vừa qua. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, kiểm tra liên tục…

Về vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm từ nguồn, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, chợ bán hương liệu sẽ được quy hoạch thành trung tâm lớn và được kiểm soát chặt chẽ. Hiện đơn vị cũng đang triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra thực phẩm sạch. Tháng 11, tháng 12 sẽ triển khai thí điểm tại 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, tại 5 chợ bán lẻ và một số siêu thị trên địa bàn. 

“Con lợn ngay khi xuất trại sẽ được kiểm tra và nhận diện bằng vòng nhận diện và được mã hóa rồi đưa vào dữ liệu hệ thống thông tin. Tại khâu bán hàng cuối cùng là bán lẻ tại các siêu thị, chợ thì các tiểu thương phải dán một cái tem nhận diện trên miếng thịt mình kinh doanh”- ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.

Nhiều đại biểu yêu cầu UBND TP HCM cụ thể các biện pháp khắc phục trong các dự án chống ngập. Cụ thể là ở dự án nâng đường Kinh Dương Vương, từ việc xác lập cao độ tim đường đến việc cân đối với các dự án liên hoàn, đảm bảo không xảy ra tình trạng hết ngập đường thì nhà dân xung quanh bị lụt.  

Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu cho rằng, mục tiêu tăng cường xây dựng các công trình công cộng nhằm bổ sung mảng xanh cho thành phố, nâng cao chất lượng sống của người dân là rất tốt.

Tuy nhiên trên thực tế, đất nông nghiệp khi được quy hoạch thành công trình công cộng thì lại bị bỏ hoang nhiều năm để chờ kêu gọi đầu tư. Người dân muốn canh tác hoặc chuyển đổi thành đất thổ cư để xây dựng tạm thời đều không được, dẫn đến tình trạng dân khó khăn mà đất thì bị lãng phí.

Ông Lê Trương Hải Hiếu nói: “Cũng là quy hoạch đô thị, nhưng ở quận ngoại thành, người dân có đất nông nghiệp may mắn có đất quy hoạch là khu dân cư thì được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư, còn đất quy hoạch đường giao thông và cây xanh thì không. Cũng là quy hoạch đô thị, nhưng thu hồi đất để thực hiện dự án công cộng ở quận nội thành để đền bù từng mét vuông đất”.

Chiều cùng ngày, các đại biểu sẽ chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo./.