Quy định mới về đăng ký xác định quốc tịch Việt Nam
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 97/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam, trong đó có quy định đăng ký để được xác định quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam.
Cụ thể, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 1/7/2009 mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, nếu có yêu cầu thì đăng ký với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam theo trình tự, thủ tục quy định (gọi là Người yêu cầu xác định quốc tịch).
Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (Cơ quan đại diện), nơi Người yêu cầu xác định quốc tịch đang thường trú, thực hiện tiếp nhận và giải quyết yêu cầu xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu Việt Nam.
Trường hợp Người yêu cầu xác định quốc tịch cư trú tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ không có Cơ quan đại diện thì nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện kiêm nhiệm hoặc Cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất.
Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của mình danh sách các Cơ quan đại diện quy định trên.
Nghị định có hiệu lực từ 1/12/2014.
Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở giáo dục đại học công lập
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017.
Việc thí điểm này nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và giảm chi cho Ngân sách nhà nước, đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách.
Chính phủ quyết nghị cơ sở giáo dục đại học công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện.
Trong đó, về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, các trường đại học tự chủ quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định và tổ chức tuyển sinh bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Về tổ chức bộ máy, nhân sự, các trường đại học tự chủ quyết định thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, giải thể; quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các tổ chức trực thuộc.
Bên cạnh đó, quyết định cơ cấu và số lượng người làm việc; tuyển dụng viên chức, nhân viên hợp đồng lao động sau khi được Hội đồng trường thông qua; ký kết hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động, quản lý, sử dụng và chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật; giao kết hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học là người nước ngoài để bảo đảm nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Các trường này cũng được tự chủ quyết định mức học phí bình quân (của chương trình đại trà) tối đa bằng mức trần học phí do Nhà nước quy định cộng với khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp bình quân cho mỗi sinh viên công lập trong cả nước.
Quyết định mức học phí cụ thể (cao hoặc thấp hơn mức học phí bình quân) đối với từng ngành, nghề, chương trình đào tạo theo nhu cầu người học và chất lượng đào tạo, bảo đảm mức học phí bình quân trong nhà trường không vượt quá giới hạn mức học phí bình quân tối đa nêu trên; thực hiện công khai mức học phí cho người học trước khi tuyển sinh.
Công nhận TP Vĩnh Yên là đô thị loại II
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Thành phố Vĩnh Yên là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 12/2004, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định công nhận thị xã Vĩnh Yên là đô thị loại III; và thị xã được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh theo Nghị định số 146/2006/NĐ-CP ngày 1/12/2006.
Khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KHCN
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó quy định trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ để đầu tư tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp và cho ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.
Nghị định cũng quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho khoa học và công nghệ tại Việt Nam dưới các hình thức: Đầu tư trực tiếp, liên doanh, liên kết...
Quỹ phát triển khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân thành lập là tổ chức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để tài trợ không hoàn lại, cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi, bảo lãnh vốn vay, phục vụ nhu cầu phát triển khoa học và công nghệ.
Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các tổ chức, cá nhân được hình thành từ vốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân sáng lập không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn góp tự nguyện, hiến, tặng; các nguồn hợp pháp khác.
Quỹ phát triển khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân thành lập được ưu tiên trong việc thuê đất xây dựng trụ sở chính và các chi nhánh của quỹ.
Nghị định cũng quy định các ưu đãi dành cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ như: Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu các kết quả khoa học và công nghệ thuộc sở hữu nhà nước; hưởng chế độ miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan…
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ và nguồn nhân lực có tay nghề cao tại các cơ sở dạy nghề trong Quân đội đến năm 2020".
Mục tiêu của Đề án là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao tập trung vào các nhóm nghề: công nghệ ô tô, điện tử, cơ điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ hóa học cho các đơn vị kinh tế quốc phòng, cho xuất khẩu lao động và theo nhu cầu của xã hội.
Cụ thể, trong giai đoạn 2014 - 2017, hằng năm Đề án sẽ đào tạo nghề cho 60-65% bộ đội xuất ngũ và đào tạo từ 5000 đến 6000 nhân lực có tay nghề cao. Trong giai đoạn 2018 - 2020, hằng năm đào tạo nghề cho 65-70% bộ đội xuất ngũ và từ 7000 đến 8000 nhân lực có tay nghề cao.
Để đạt mục tiêu trên, Đề án đưa ra giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bộ đội xuất ngũ và của xã hội về đào tạo nghề trong Quân đội; quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề trong Quân đội; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu dạy nghề; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; tăng cường công tác kiểm định chất lượng dạy nghề; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường liên kết, phối hợp, đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa các cơ sở dạy nghề trong Quân đội.
Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Đồng Nai
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai trong mùa lũ hàng năm.
Theo đó, từ ngày 1/1/2015, trong mùa lũ, các hồ: Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng, Phước Hòa, Đơn Dương, Đại Ninh, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đăk R' Tih, Đồng Nai 5, Trị An, Hàm Thuận, Đa Mi và Dầu Tiếng trên lưu vực sông Đồng Nai phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên.
Cụ thể, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện Đại Ninh, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ nhỏ hơn hoặc bằng lũ cực cạn (PMF) với lưu lượng đỉnh 11.000 m3/s; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình hồ chứa: Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Trị An và Dầu Tiếng không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 5000 năm; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện Hàm Thuận không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 2000 năm.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình hồ chứa: Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng, Phước Hòa, Đơn Dương, Đăk R'Tih, Đồng Nai 5 và Đa Mi không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra hoặc mực nước dâng gia cường với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1000 năm.
Tiếp theo, các hồ phải vận hành góp phần giảm lũ cho hạ du và đảm bảo hiệu quả phát điện.
Khi vận hành các hồ giảm lũ cho hạ du phải tuân thủ theo quy định về trình tự, phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả được cấp có thẩm quyền ban hành, bảo đảm không gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực ven sông ở dưới hạ du hồ chứa.
Căn cứ nhận định xu thế diễn biến thời tiết, thủy văn của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia nếu không xuất hiện hình thế thời tiết có khả năng gây mưa lũ trên lưu vực, chủ hồ được phép chủ động tích nước để đưa dần mực nước hồ về mực nước dâng bình thường trong khoảng thời gian quy định. Cụ thể, từ ngày 10/10-30/11 hàng năm đối với các hồ Thác Mơ, Cần Đơn, Đăk R'Tih, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Hàm Thuận và Trị An; từ ngày 20/10-31/12 hàng năm đối với các hồ Đơn Dương và Đại Ninh; từ ngày 1/11-30/11 hàng năm đối với hồ Dầu Tiếng.
Tăng hiệu quả sản xuất và cung ứng điện
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định những hạn chế làm cho năng suất lao động chưa cao để thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, nâng cao năng suất, tăng hiệu quả sản xuất và cung ứng điện.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về triển khai xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp, biện pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý lao động, giảm giá thành đã thực hiện để hoàn chỉnh xây dựng Đề án "Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động của EVN giai đoạn 2016-2020" với các giải pháp, biện pháp toàn diện và cụ thể hơn, phù hợp với tiến trình tái cơ cấu ngành điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2015.
Trên cơ sở đề cương Đề án đã đề ra, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN phân tích, đánh giá rõ hiện trạng hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động chung của EVN cũng như cụ thể từng khâu sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ điện. Lựa chọn mô hình tham chiếu quốc tế cụ thể đến năm 2020, lưu ý mô hình tham chiếu có chỉ số hoạt động hiệu quả, năng suất lao động cao và có phạm vi hoạt động, cơ cấu tổ chức tương tự.
Đồng thời xác định rõ các mục tiêu về hiệu quả hoạt động và năng suất lao động cụ thể đối với từng khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối và bán lẻ điện đến năm 2020 và phân tích tổng hợp mục tiêu chung của Tập đoàn. Xác định các giải pháp tổng thể sẽ thực hiện để đạt mục tiêu đề ra cũng như các giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện cho từng giai đoạn cụ thể./.