Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 diễn ra chiều 3/3 tại Hà Nội khi trả lời phóng viên báo chí đề cập đến biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.

cp4_vov_jgaa.jpg
Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020.

Trả lời câu hỏi về giải pháp ứng phó nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết công tác phòng, chống dịch bệnh đã có thành công bước đầu và đã có nhiều bài học. Hiện, dịch bệnh đã lan ra 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đều có các kịch bản.

"Biện pháp cách ly là cực kỳ quan trọng để ngăn dịch lan vào Việt Nam và ngăn dịch lây lan trong cộng đồng", ông Long nhấn mạnh.

Ví dụ khi dịch lan ra ở Hàn Quốc, ta áp dụng biện pháp phù hợp như yêu cầu tất cả hành khách vào Việt Nam phải khai báo y tế để giám sát. Sau đó ta làm việc với Hàn Quốc về việc tạm ngừng miễn thị thực. Tiếp đó, ta tiến hành cách ly tất cả hành khách đi qua, đến từ vùng dịch. Chúng ta cũng chỉ định 3 sân bay đón khách về từ vùng dịch như sân bay Vân Đồn, Phù Cát, Cần Thơ, dừng đón khách hàn Quốc ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Trước đây có khoảng 70 chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam nhưng nay còn rất ít.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: "Kịch bản đưa ra 4 vòng cách ly đã phát huy hiệu quả xã Sơn Lôi(huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Đến nay, sau 21 ngày, Sơn Lôi không phát hiện thêm trường hợp nào. Đêm nay, Sơn Lôi sẽ được dỡ lệnh cách ly. Chúng tôi cho rằng cách ly rất quan trọng và chúng ta đã làm rất hiệu quả.

Về khả năng cách ly của chúng ta, riêng hệ thống quân đội đã có trên 60 điểm cách ly với số lượng khoảng trên 30.000 người. Chúng tôi đang điều phối cách ly tại tất cả các địa phương. Con số hiện nay có khoảng hơn 10.000 trường hợp cách ly tại những khu vực này".

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Viết Tuân

"Tuy nhiên, chúng tôi đã tính tới phương án giảm lượng cách ly ở khu vực này bằng hình thức phải giám sát về y tế, phiếu hỏi để chứng minh được rằng người được hỏi không đi qua vùng dịch. Thứ hai, chúng tôi làm việc với gia đình, với chính quyền địa phương, với những đối tượng không đi qua vùng dịch phải tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà để giảm cách ly tập trung, tránh tình trạng quá tải. Hiện nay vẫn đảm bảo cách ly trong những khu vực cách ly tập trung.Nếu như ở một quốc gia nào có tình trạng phát dịch tăng nhanh, chúng tôi lập tức sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết để ngăn chặn dịch lan tại Việt Nam", ông Nguyễn Thanh Long nói.

Sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân

Cũng tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 3/3, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày, Chính phủ thống nhất nhận định mặc dù chịu tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nhìn chung kinh tế-xã hội trong 2 tháng đầu năm ổn định và có những điểm sáng. Riêng tháng 2, xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP.

Tuy nhiên, đến nay nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là ngành hàng không, du lịch, vận tải. "Chúng ta thấy có những khách sạn gần như đóng cửa, nhiều khu du lịch vắng người", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại phiên họp Chính phủ.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, không thể vì doanh thu, mở cửa đón khách du lịch tràn lan để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam. Các bộ ngành, địa phương được yêu cầu "tuyệt đối không được chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng chống dịch đã đề ra".

Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì việc trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với Covid-19.

Theo ông Mai Tiến Dũng, tinh thần chung của chỉ thị là phải giao nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có địa chỉ rõ ràng để triển khai thực hiện ngay; trong đó các gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa, thương mại đầu tư, cải cách thủ tục hành chính hướng vào những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết cho du lịch, hàng không, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu.

Việc hỗ trợ cho các trường hợp bị thiệt hại do Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế "không phải là bao cấp cho sự yếu kém", trong đó có hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp, hỗ trợ về chính sách tài khóa. Các gói hỗ trợ này phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, không được để lâu, không có cơ chế xin - cho, thiếu minh bạch.

Việt Nam chưa đặt vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ hay đưa ra gói kích thích kinh tế. Các bộ, ngành liên quan chuẩn bị sẵn kịch bản, phương án và đối sách với tình huống, diễn biến của dịch bệnh./.