Bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng có vị trí đặc biệt về địa lý, quốc phòng an ninh, là nơi lưu giữ hệ sinh thái động thực vật đa dạng, có nhiều loài đặc hữu quý hiếm. Với giá trị tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, “độc nhất vô nhị”, Sơn Trà không chỉ là lá phổi xanh mà còn là thương hiệu nhận diện của thành phố Đà Nẵng.
Hiện đã có hàng chục dự án du lịch, cả trăm nền móng biệt thự chờ bán, nhưng câu chuyện cấp phép đầu tư, phát triển du lịch sinh thái hay giữ Sơn Trà nguyên trạng vẫn còn nhiều tranh cãi.
Một góc Đông Nam bán đảo Sơn Trà nhìn từ trên cao |
Mới đây, quan điểm về phát triển bán đảo Sơn Trà trở nên nóng hơn sau buổi làm việc giữa Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng. Ngày 11/5 vừa qua, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch dẫn đầu Đoàn công tác vào làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng để giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội này. Kết thúc buổi làm việc, đại diện Tổng cục Du lịch “né tránh” báo chí, không cử người phát ngôn cũng không có thông cáo báo chí khiến dư luận có nhiều ý kiến khác nhau.
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam cho rằng, bảo tồn Sơn Trà mà chỉ khoanh lại, giữ khư khư thì cũng không nên. Ông Sự không phản đối việc cấp phép đầu tư các dự án du lịch trên Sơn Trà để phát triển kinh tế, nhưng phản đối cách làm đại trà theo kiểu phân lô, bán nền.
Theo ông Sự, với ý kiến đề nghị tháo dỡ hết những biệt thự đã cấp phép, những dự án đã xây dựng để trồng rừng thì càng không ổn. Vấn đề là phải quản lý và phát triển như thế nào để vừa giữ được Sơn Trà, vừa phát triển du lịch. Theo ông Nguyễn Sự, mọi sự tác động đến Sơn Trà cần phải thận trọng và khoa học.
Trước mắt, nên rà soát lại các dự án đã cấp phép trên Sơn Trà, đồng thời tổ chức hội thảo chuyên đề bàn về phát triển Sơn Trà theo hướng nào: “Phải tỉnh táo ngồi lại rà soát lại từng dự án một. Xem cái nào không ảnh hưởng nhiều thì phải giữ, cái nào bất hợp lý thì phải điều chỉnh. Cái nào chưa làm thì có thể dừng lại hoặc có chính sách với doanh nghiệp. Nhưng mà không thể tuyên bố ngay là dẹp bỏ hoặc hủy. Mà muốn làm được này thì tổ chức hội thảo khoa học gồm những người hiểu biết Sơn Trà, nhà khoa học kể cả nhà quản lý và kể cả doanh nghiệp. Như vậy mới ra vấn đề”.
Loài Voọc Sơn Trà cần được bảo vệ |
Cùng quan điểm này, ông Lê Văn Lanh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam cho rằng, tài nguyên thiên nhiên là tài sản của quốc gia, mọi người dân phải được thụ hưởng; đồng thời cũng phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển các dự án du lịch phù hợp với thực tế. Quan điểm chung là bảo đảm phát triển du lịch bền vững trên bán đảo Sơn Trà, khai thác hợp lý thế mạnh về giá trị tài nguyên biển, rừng của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, góp phần đa dạng hóa hệ thống sản phẩm du lịch.
Ông Lê Văn Lanh khẳng định: “Bảo tồn nhưng không có nghĩa là giữ nó khư khư, bảo tồn nhưng vẫn phải phát triển. Thế nhưng phải phát triển ở mức độ không gây những tác động, tác hại lên các hệ sinh thái tự nhiên một cách quá mức. Thế nên phải có những giải pháp, những can thiệp của khoa học kỹ thuật. Phải có những giải pháp tốt thì nó hạn chế được thôi. Không nên bảo tồn một cách nghiêm ngặt quá. Nên hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Phát triển bền vững phải hài hòa và cân bằng”.
Nói về bảo tồn và phát triển du lịch Sơn Trà theo hướng nào, Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Kiến trúc sư Khuất Tân Hưng, Phó Trưởng bộ môn Lý luận và Bảo tồn Di sản, Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội cho biết, đối với các Khu Bảo tồn Thiên nhiên, ưu tiên hàng đầu là bảo tồn sự đa dạng sinh học của rừng, đảm bảo môi sinh cho các loài động thực vật đặc hữu có giá trị cao về khoa học. Các dự án du lịch (nếu có), chỉ nên làm du lịch sinh thái với sự can thiệp tối thiểu để không gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên và cảnh quan, môi trường.
Theo ông Khuất Tân Hưng, không thể chấp nhận việc xây dựng các khu lưu trú lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm ha trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên dù với bất cứ lý do gì. Bởi tàn phá tự nhiên không chỉ là tàn phá môi trường của các loài động thực vật đặc hữu mà còn gây hại chính môi trường sống của con người.
“Theo ý kiến của tôi thì tất cả những tác động đến những điểm sáng về mặt cảnh quan như vậy thì nên thận trọng, mà đặc biệt là khu dự trữ, khu tự nhiên như thế thì rất là quý giá. Vì động chạm vào nó thì nguy cơ mất đi vĩnh viễn luôn. Rà soát lại thì đương nhiên là việc phải làm. Thế nhưng mà khả năng càng hạn chế tác động vào khu đấy thì càng tốt”- ông ông Khuất Tân Hưng chia sẻ.
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì “báu vật” Sơn Trà trở thành lợi thế cho thành phố Đà Nẵng tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nên có các giải pháp thông minh để vừa khai thác tốt tiềm năng du lịch, vừa không xâm hại đến môi trường.
Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, cấp phép đầu tư cho các dự án làm du lịch là cần thiết. Nhất là đối với các dự án du lịch sinh thái thì cần được khuyến khích và ưu đãi. Chúng ta có thể phát triển Sơn Trà nhưng không thể chấp nhận các dự án xâm hại thô bạo đến thiên nhiên, môi trường.
Ông Nguyễn Tấn Vạn cho biết thêm, kinh nghiệm xây dựng các khu du lịch sinh thái hài hoà với cảnh quan, thân thiện với môi trường cũng có rất nhiều ở nước ta. Nhiều nhà đầu tư thông minh đã chọn hình thức kiến trúc xây dựng "ẩn vào trong không gian rừng"; đầu tư xây dựng tại khu vực vùng lõm; mở các tuyến đường nhỏ thân thiện môi trường, hạn chế các trục giao thông cơ giới...
Ngay tại Sơn Trà, khách sạn Intercontinental có đẳng cấp thế giới, ẩn mình trong rừng nguyên sinh là một trong những nơi đảm bảo lưu trú cho các nhà tài phiệt, các nguyên thủ quốc gia, góp phần hoàn chỉnh hạ tầng để Đà Nẵng đảm bảo điều kiện đăng cai tuần lễ cấp cao APEC 2017.
Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam phân tích: “Chúng ta có thể phát triển nó nhưng phải bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, phải biết bảo vệ nhưng phải biết hưởng thụ vì mục đích cho mọi người, chứ không phải cứ cảnh quan thiên nhiên là cấm không được xây dựng, là giữ yên. Theo tôi là xây dựng trên bán đảo này không nên xây to, các công trình biệt thự không nên làm to mà làm nhỏ, lẩn vào trong rừng, phục vụ du lịch chứ đừng biến nó thành của riêng từng gia đình nhỏ ở trong những biệt thự to được. Cách đó là cách làm hiệu quả nhất đối với bán đảo Sơn Trà”.
Bán đảo Sơn Trà có núi, có rừng, có biển và gần trung tâm thành phố là khu vực có tiềm năng, lợi thế lớn về du lịch. Vấn đề đặt ra là bảo tồn và phát triển Sơn Trà theo hướng nào cần phải tìm được tiếng nói chung. Du lịch sinh thái phát triển trong các khu bảo tồn nhằm mang lại lợi ích đáng kể cho cộng đồng địa phương cũng như đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn.
Tuy nhiên, nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường, cảnh quan và đa dạng sinh học là điều khó tránh khỏi nếu không được quản lý hiệu quả. Vì vậy, một số chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, trước mắt, thành phố Đà Nẵng cùng với Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch nên khẩn trương rà soát lại tất cả các dự án tại khu vực này; đánh giá lại hiệu quả, tác động của từng dự án; đồng thời công bố thông tin về thực trạng; sớm tổ chức các cuộc hội thảo, nghiên cứu khoa học để tìm ra giải pháp phát triển hài hòa, bền vững cho bán đảo Sơn Trà./.
Bài 1: Bán đảo Sơn Trà đang bị xâm hại
Dự án Khu du lịch biển Tiên Sa- Sơn Trà: Chờ ý kiến Thủ tướng