Tại buổi tọa đàm, các bạn trẻ đã nghe Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xanh, khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học- Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc sử dụng tầng lớp trí thức trẻ trong phong trào giải phóng dân tộc.
Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng lực lượng thanh niên, đặc biệt là trí thức trẻ. Từ những năm 1930-1940 của thế kỷ trước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập hợp một lực lượng trí thức trẻ tuổi để cùng với Người đưa Chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam, từ đó tổ chức một Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc ở trong nước.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút một đội ngũ trí thức trẻ tuổi từ Pháp về cùng góp sức với chính phủ ở trong nước xây dựng đất nước, tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức bao gồm những trí thức cựu học và những trí thức tân học, hợp sức, hợp lòng cùng làm việc, lao động, cống hiến vì một nước Việt Nam độc lập, tự do.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xanh, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc sử dụng tầng lớp trẻ trong phong trào giải phóng dân tộc vẫn có ý nghĩa thời sự trong công cuộc xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay.
“Bác Hồ rất kỳ vọng vào đội ngũ thanh niên và nhất trí thức. Người rất coi trọng đào tạo và giao việc cho họ. Trong thời đại ngày nay, chúng ta phải đặt niềm tin vào lớp trẻ. Tin thì mới giao việc và đã giao việc thì phải tin. Lựa chọn những thanh niên tiên tiến nhất để bồi dưỡng họ và đưa vào các vị trí lãnh đạo. Khi tin vào họ thì lớp trẻ sẽ hoàn thành những công việc mà Đảng giao cho họ. Chúng ta cũng cần có chính sách gọi mời, khuyến khích trí thức trẻ về làm việc ở trong nước”- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xanh nói./.