Mặc dù về mặt pháp lý, bà Bùi Thị Chờ (54 tuổi tại đội 14 xã Tam Kỳ - Kim Thành – Hải Dương) không phải là bà nội của hai cháu Đỗ Ngọc Tường Vy (5 tuổi) và Đỗ Minh Trí (3 tuổi), nhưng vì mâu thuẫn với con dâu hờ là chị Nguyễn Thị Thanh Lan mà bà Chờ đã ôm hai cháu con của chị Lan trốn biệt tích nhiều tháng nay.
Hoang mang đi tìm con
Những ngày gần đây, trên khắp địa bàn Hải Phòng truyền tai nhau câu chuyện về người mẹ trẻ lang thang đi tìm con. Nạn nhân là hai cháu Đỗ Ngọc Tường Vy (5 tuổi) và Đỗ Minh Trí (3 tuổi). Chị Nguyễn Thị Thanh Lan, mẹ đẻ của hai cháu đã đi khắp thành phố dán mẩu tin tìm trẻ lạc vài tháng nay mà không có tin tức gì. Nhiều người đồn đoán về số phận hai cháu khiến người mẹ trẻ càng thêm hoang mang…
Cháu Đỗ Ngọc Tường Vy và Đỗ Trí Minh trước khi bị "bà nội" mang đi biệt tích nhiều tháng nay |
Để xác minh vụ việc, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với chị Nguyễn Thị Thanh Lan mẹ đẻ của hai cháu. Qua lời kể, chị Lan cho biết, chị và anh Đỗ Văn Khởi (27 tuổi) trú tại đội 14 xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương kết hôn với nhau, nhưng vì gia đình chị Lan không đồng ý nên cả hai không đăng ký kết hôn.
Chị Lan về nhà anh Khởi sinh sống tại đội 14, xã Tam Kỳ cùng với bà Bùi Thị Chờ là mẹ anh Khởi. Trong quá trình sinh sống, anh chị đã có với nhau hai con là cháu Đỗ Ngọc Tường Vy (5 tuổi) và cháu Đỗ Minh Trí (3 tuổi). Mặc dù không đăng ký kết hôn nhưng sau khi sinh con, chị vẫn đi làm giấy khai sinh cho cháu đầy đủ và ghi rõ họ tên cha là anh Đỗ Văn Khởi.
Anh Khởi, chị Lan cùng hai cháu bé sống cùng với mẹ đẻ anh Khởi là bà Bùi Thị Chờ (56 tuổi) tại ngôi nhà ở địa chỉ đội 14 xã Tam Kỳ - Kim Thành – Hải Dương. Cuộc sống mẹ chồng nàng dâu, vợ chồng của chị Lan khá yên bình trong nhiều năm. Hàng ngày, chị Lan đi làm công nhân ở khu công nghiệp cách nhà khoảng hơn chục cây số, anh Khởi làm các công việc tự do, còn bà Chờ làm công việc đồng áng.
Gần đây, anh Khởi đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, ở nhà chỉ còn mẹ chồng nàng dâu và mâu thuẫn nảy sinh từ đây. Bà Chờ thấy con dâu đi sớm về khuya, đôi khi tăng ca qua đêm không về, thiếu sự chăm sóc hai đứa cháu nội nên nghi ngờ chị Lan thiếu chung thủy với chồng, ngoại tình. Chị Lan thì cho rằng, chồng thiếu sự quan tâm, mẹ chồng không cảm thông nên áp lực, chán nản. Đỉnh điểm, chị Lan đã đem theo 2 con ra khỏi nhà bà Chờ.
Ngày 19/12/2015, chị Lan quay lại nhà bà Chờ lấy một số đồ đạc cá nhân của mình và hai con thì bị bà Chờ cùng họ hàng giữ lại, yêu cầu mang hai bé Vy và Trí quay trở lại nhà bà Chờ. Vụ to tiếng, xô xát này đã có sự can thiệp của công an xã Tam Kỳ.
Tại trụ sở ủy ban xã Tam Kỳ, chị Lan được Trưởng công an xã là ông Nguyễn Tiến Quynh giải thích rằng: “em cứ đem con về cho bà Chờ nuôi đi, không anh sẽ bắt bạn đi cùng em về tội bắt cóc…”. Do lo sợ người bạn đi cùng bị liên lụy, chị Lan đã điện nhờ một người bạn khác đưa hai đứa con của mình đến trụ sở ủy ban xã, giao lại cho bà Chờ. Ngay ngày hôm sau (tức 20/12/2015) chị Lan quay trở lại nhà bà Chờ để gặp con nhưng ngôi nhà đã cửa đóng then cài, bà Chờ cùng hai cháu bé đã không còn ở địa phương từ đó đến nay.
Nhớ con và vô cùng lo lắng, chị Lan tìm ở nhà những người họ hàng quen biết nhưng vẫn không thấy bóng dáng bà Chờ cùng hai đứa con của mình. Số điện thoại bà Chờ vẫn dùng luôn trong tình trạng thuê bao không liên lạc được. “Có một lần liên lạc được với bà Chờ nhưng bà ấy lại nói rằng “con mày mày giữ chứ tao giữ làm gì…” khiến tôi vô cùng hoang mang, không biết giờ này con tôi đang ở đâu, được ai chăm sóc không…” – chị Lan nói.
Chị Lan mong muốn sớm tìm thấy hai con để nuôi dưỡng, chăm sóc. Còn sau này, khi bố đẻ của các cháu về nước, nếu không thể tiếp tục cuộc sống gia đình, chị sẽ làm đơn ra tòa để tòa phân giải theo đúng pháp luật.
Chính quyền chậm trễ
Ngay sau khi không được gặp con, không biết về hình hình của con, chị Lan đã có đơn gửi lên công an xã Tam Kỳ yêu cầu giúp đỡ tìm con nhưng đến nay vẫn chưa có hồi đáp. Tiếp tục, chị Lan đã gửi đơn lên công an huyện Kim Thành – Hải Dương nhưng theo phản ánh của chị Lan, cho đến thời điểm hiện tại cũng chưa có kết quả gì.
Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thái – Chủ tịch hội phụ nữ xã Tam Kỳ - xác nhận: “Bà Chờ là chi hội trưởng chi hội phụ nữ đội 14 thôn Nghĩa Xuyên của xã Tam Kỳ. Nhiều tháng nay, bà Chờ đã không có mặt ở địa phương vì nhiều lần cần họp về công tác hội, tôi đã cho người đến tận nhà tìm bà ấy nhưng không thể gặp, số điện thoại cũng không liên lạc được, không ai biết bà ấy đang ở đâu”.
Đại diện ban công an xã Tam Kỳ, ông Nguyễn Tiến Quynh cũng thừa nhận: “Tôi nhận đơn của chị Lan, đã nhiều lần gửi giấy mời đến bà Chờ để lên xã hòa giải nhưng nhà luôn đóng cửa, không có người sinh sống. Công an xã đã báo cáo lên huyện vụ việc này. Trách nhiệm của chúng tôi chỉ đến thế!”.
Thông tin về vụ việc, ông Nguyễn Toan – Phó trưởng công an huyện Kim Thành, Hải Dương – cho biết: “Công an huyện đã nhận được đơn của chị Lan, hiện công an huyện đã về xã Tam Kỳ để xác minh vụ việc”./.
Liên quan đến các tình tiết của vụ việc, luật sư Lê Văn Thế – Văn phòng luật sư Bạch Minh, Hà Nội cho rằng: Việc làm của bà Chờ có dấu hiệu của hành vi Chiếm đoạt trẻ em được quy định tại Điều 120 Bộ luật hình sự.
Điều 120 BLHS năm 1999 quy định rất rõ:
1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em;
đ) Để đưa ra nước ngoài;
e) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;
g) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;
h) Tái phạm nguy hiểm;
i) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm
Tại Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23 tháng 07 năm 2013 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, Điều 4 khoản 3 quy định “Chiếm đoạt trẻ emlà hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, bắt trộm, lừa đảo, lợi dụng tình trạng khó khăn, sự lệ thuộc của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng trẻ em nhằm chiếm giữ đứa trẻ hoặc giao cho người khác chiếm giữ đứa trẻ đó”.