Chiều nay (22/8) tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhóm công tác về y tế APEC 2017 tổ chức Đối thoại chính sách y tế về tăng cường sức khỏe người cao tuổi và phòng chống các bệnh không lây nhiễm vì một châu Á – Thái Bình Dương khỏe mạnh, thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, đại diện của các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội, các nhà nghiên cứu, các nhà cung cấp dịch vụ y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Phạm Lê Tuấn |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Phạm Lê Tuấn cho biết Việt Nam bắt đầu thời kỳ già hoá dân số từ năm 2011, với tỉ lệ người trên 60 tuổi chiếm 10%, là một trong những quốc gia có dân số già hóa nhanh nhất trên thế giới. Với các nền kinh tế phát triển, việc chuyển đổi sang dân số già có thể diễn ra một vài thế kỷ, thì Việt Nam chỉ mất khoảng 20 - 22 năm. Hiện tại, Việt Nam có hơn 10 triệu người lớn tuổi và dự báo sẽ tăng cao vào năm 2030 và có thể đạt tới 28 triệu người cao tuổi vào năm 2050.
Tại buổi đối thoại, đại diện một số nền kinh tế thành viên APEC cùng các chuyên gia y tế trình bày các vấn đề như tổng quan già hóa dân số trong khu vực APEC và những khuyến nghị chính sách; gánh nặng bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số; phòng chống và kiểm soát bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi, những bài học kinh nghiệm của một số thành viên…
SOM 3- APEC 2017: Khuyến nghị xây dựng tài chính y tế bền vững
Hiện nay, sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm cùng với quá trình lão hóa dân số nhanh chóng đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống y tế toàn cầu. Các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và bệnh mãn tính của người cao tuổi là nguyên nhân hàng đầu gia tăng tình trạng bệnh tật và tử vong. Vì vậy, làm thế nào để ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm của người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số là một vấn đề quan tâm của các nền kinh tế thành viên APEC.
Ông Keizo Takemi, thành viên Hội đồng tư vấn, Chủ tịch Ủy ban các Nhiệm vụ đặc biệt về Chiến lược Y tế toàn cầu cho biết: "Một số bệnh không lây nhiễm có thể dự phòng được nếu mọi người thay đổi được thói quen sống của họ như không hút thuốc, uống rượu quá nhiều. Đối với người già, đều quan trọng là vừa để họ có sức khỏe tốt hơn mà làm sao để người già có thể đóng góp cho nền kinh tế, vẫn sáng tạo và làm việc, có thể làm việc, không tạo gánh nặng cho nền kinh tế"./.