Thời gian gần đây, đi trên đường Hà Nội cứ ngạt ngào hương hoa sữa. Có người thì mê mùi hương được ca ngợi là lãng mạn trong thơ ca, người lại chỉ muốn bịt mũi vì không chịu nổi. |
Hoa sữa được trồng dày đặc hai bên vỉa hè trên các tuyến phố Trung Hòa, Trần Duy Hưng, Duy Tân, Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn, Quán Thánh, Lê Quang Đạo, Lò Đúc... Cứ cách vài mét lại có một cây hoa sữa. |
Không chỉ xuất hiện trên cây, hoa sữa rụng xuống, phủ trắng nhiều vỉa hè. |
Mật độ cây quá dày, ai đi qua cũng cảm nhận sự nồng nặc của mùi hương hoa sữa trong không khí. Thậm chí có nhiều người còn bị "ám ảnh" bởi hương hoa sữa. |
Một số chuyên gia sức khỏe cảnh báo: Tác hại lớn nhất của nó chính là mùi hương nồng nặc. Nếu ngửi nhiều quá có người bị dị ứng, gây ho, hen suyễn, mẩn ngứa.... |
Bên cạnh đó, hương hoa sữa có mùi nồng nặc, dễ gây cho nhiều người cảm giác nhức đầu, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nhất là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và những người có cơ địa dị ứng. |
Đối với những người bị bệnh như viêm phế quản, hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm mũi theo mùa nếu hít mùi hoa sữa nhiều thì bệnh sẽ nặng hơn, nhưng người bình thường thì ít bị ảnh hưởng hơn. |
Đa số những người được hỏi cảm nhận của mình về hoa sữa đều có chung 1 quan điểm: "Mùi thoang thoảng thì dễ chịu, chứ như hiện tại quá nồng nặc, không còn nồng nàn nữa rồi..." |
Các chuyên gia về đô thị lẫn cây trồng cho rằng: hiện nay, mật độ cây hoa sữa tại Hà Nội dày. Hoa sữa chỉ nên trồng xen kẽ, trồng ở những nơi xa khu dân cư, còn những nơi tập trung đông khu dân phải trồng xen kẽ với các cây khác, nhằm tạo mùi thoang thoảng. |
Hoa sữa là cây đô thị đã được người Pháp trồng tại Việt Nam từ lâu thế nhưng việc trồng với mật độ quá dày, san sát nhau dễ gây cảm giác khó chịu vào mùa hoa nở. |
Ở nhiều nước trên thế giới cũng trồng hoa sữa nhưng có quy hoạch phù hợp, không xảy ra tình trạng dở khóc, dở cười, "quá tải, bội thực" hoa sữa. |
Một số thành phố ở Việt Nam đã từng phải chặt bỏ nhiều cây hoa sữa vì mật độ quá dày đặc. |