Mới 7h sáng, quanh khu vực đình An Hải cũng như trên con đường bê tông chạy dài ven biển đã có hàng trăm người dân tụ tập. Họ là ngư dân, nông dân, các cháu học sinh, lãnh đạo xã và cán bộ nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải. Lúc này cái nắng chói chang đã trùm lên huyện đảo Lý Sơn, may mà gió biển thổi vào mát rượi nên tiết trời đã dịu đi rất nhiều.

mot-goc-ly-son.jpg
Một góc đảo Lý Sơn

Tối hôm trước, nhân dân trên đảo râm ran chuyện về một chú cá voi khổng lồ, nặng chừng 6 tấn, chết ở quần đảo Trường Sa đã được ngư dân đưa về Lý Sơn và sáng sớm sẽ cập bờ.

Từ rất sớm, bà con đã có mặt để tận mắt chiêm ngưỡng chú cá voi đang nửa chìm nửa nổi ngay gần bờ và chỉ còn chờ ý kiến chỉ đạo của tỉnh Quảng Ngãi là sẽ tiến hành nghi thức chôn cất ngay tại khuôn viên đình An Hải - một di tích lịch sử cấp quốc gia. Dân vạn chài gọi cá voi là cá Ông, là Ngài Nam Hải. Từ bao đời nay, trước khi ra khơi, ngư dân thường cúng vái cá Ông, mong sao cho mưa thuận gió hòa, cho sóng yên biển lặng, cho tôm cá đầy khoang. Họ tin rằng, cá Ông trôi dạt vào làng nào thì làng đó muôn đời được ấm no và tai qua nạn khỏi. Với tín ngưỡng ấy, họ thường làm lễ cúng tế rất long trọng, chôn cất, để tang, rồi cải táng như với cha mẹ, ông bà mình vậy...

Phó Chủ tịch UBND xã An Hải cũng có mặt tại đây. Ông cho hay, vì tín ngưỡng của bà con, nên ủy ban cùng đứng ra làm lễ mai táng. Ông giới thiệu tôi gặp ngư dân Trương Đình Hồng, sinh năm 1978. Anh là một trong những người phát hiện ra xác cá Ông trôi nổi gần quần đảo Trường Sa nên đã cùng với anh em trên tàu lai dắt hai ngày hai đêm về đảo Lý Sơn.

Ngư dân Trương Đình Hồng trông dãi dầu sương gió, da sạm đen, thân hình chắc nịch, tóc cháy nắng. Gia đình anh thuộc dân gốc Lý Sơn, đã nhiều đời bám biển. Bố anh tử nạn ngoài biển khu vực Hoàng Sa nhiều năm trước đây. Anh đi biển từ năm 16 tuổi cùng với bốn anh em trai trong nhà. Ba chị gái thì làm nông nghiệp. Hồng tâm sự, nghề biển cực nhọc, nguy hiểm lắm và thu nhập cũng chỉ dao động 3-4 triệu đồng/tháng vì tỉ lệ ăn chia là 50/50, 50 cho tàu và 50 chia cho 13-14 người cùng đi. Sinh hoạt trên biển thường không theo giờ giấc nhất định, lênh đênh vượt sóng gió lúc nửa đêm gà gáy. Khi đánh được mẻ cá vào đúng bữa ăn, lại phải vội vàng lao vào ướp muối, xẻ thịt, phơi phóng. Giả như gặp một trận gió lớn vào sáng sớm thì chỉ còn biết bẻ mì tôm nhai sống và uống nước lạnh. Anh bảo, đúng là một nghề hết sức may rủi, có chuyến thành công, nhưng có chuyến lại về tay không! Mà đâu chỉ có vậy, các anh còn luôn gặp phải “nhân tai” là tàu Trung Quốc.rượt đuổi, lao đến hành hung, hút dầu chỉ chừa lại vài phi vừa đủ cho chạy về, rồi lấy tài sản, máy định vị và số hải sản đánh bắt được.

Ngư dân Lý Sơn ra khơi

Sau mỗi lần như thế, anh em lại phải hùn nhau vay mượn, sửa chữa để lấy phương tiện làm ăn. Riêng năm 2013 đã có 21 tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn bị tàu Trung Quốc đập phá, tịch thu tài sản Tôi hỏi: “Về phía địa phương đã biểu thị thế nào khi ngư dân gặp nạn?” Hồng cho biết: “Ngoài chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với ngư dân khi gặp nạn trên biển, huyện còn tổ chức thăm hỏi động viên kịp thời, tặng tiền và quà cho tập thể, cá nhân, rồi kiền nghị với tỉnh, với các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ cho bà con ngư dân.”Tôi gợi chuyện: “Sau mỗi lần như thế, các anh có sợ không?” Hồng cười nói: “Sợ gì chứ? Đó là vùng biển thuộc chủ quyền của ta! Sợ thì làm sao mỗi tháng hai lần chúng em dám ra Hoàng Sa đánh bắt cá! Hơn nữa, bên cạnh chúng em còn có hai nghiệp đoàn nghề cá của hai xã An Hải và An Vĩnh với 1000 đoàn viên. Các tàu luôn liên lạc, giúp đỡ nhau mỗi khi gặp nạn ngoài khơi.”

*

Ở huyện đảo Lý Sơn, đi biển và làm nông nghiệp là hai nghề chủ đạo và cả hai nghề đều nổi tiếng. Từ xa xưa, ngư dân đã bám biển trên hai ngư trường truyền thống là Trường Sa và Hoàng Sa với kinh nghiệm trải qua bao đời tiếp bước cha ông trong đội hùng binh năm xưa là Hoàng Sa Kim Bắc Hải; còn nông dân với sự ưu đãi của môi trường thiên nhiên biển đảo đã biến giống tỏi thành thương hiệu nức tiếng gần xa. Và không hiểu từ lúc nào, Lý Sơn trở thành “vương quốc tỏi”. Từ hai nghề chính này, hầu như người dân Lý Sơn đều cho con cái tiếp nối công việc của mình. Chồng đi biển thì con trai sau này cũng sẽ vươn khơi bám biển, còn vợ và con gái lại theo nghề nông. Chồng làm nghề nông thì vợ cũng theo nghề nông và hướng con cái chăm lo chuyện học hành để tìm cơ hội thoát ly.

Tại khuôn viên đình An Hải, tôi may mắn gặp được ông Nguyễn Văn Nghi, ngoài 60 tuổi, một nông dân tiêu biểu. Ông vô cùng háo hức trước sự kiện cá Ông được lai rắt về đảo Lý Sơn. Ông bà có năm người con, bốn trai một gái. Bốn người con trai đều tốt nghiệp đại học, một người đang theo học tiến sĩ ở Thái Lan, một người tu nghiệp tại Nhật Bản, hai người con trai còn lại làm việc tại Đà Nẵng. Cô con gái út tốt nghiệp ngành sư phạm và hiện là giáo viên tại huyện đảo. Gia đình ông đã được Hội Khuyến học huyện Lý Sơn và tỉnh Quảng Ngãi công nhận là gia đình hiếu học. Không chỉ riêng gia đình ông mà ngay tại nơi cư ngụ là khu dân cư số 2, thuộc thôn Đông, xã An Hải với khoảng 200 hộ dân, nhưng đã có tới 40-50 gia đình có từ 2-4 con theo học tại các trường đại học. Ông cho hay, làm nông nghiệp kinh tế không cao, nên muốn cho con học hành đỗ đạt để sau này có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Với nghề trồng tỏi, ông Nghi giải thích: Quãng những năm 1931, 1932 của thế kỷ trước, vì bán được cho thương lái nước ngoài nên cây tỏi bắt đầu phát triển mạnh. Tỏi ở Lý Sơn có giá trị kinh tế cao bởi thơm ngon, không cay nồng và được trồng trên một lớp cát biển phủ lên nền đất thịt bazan. Sản lượng cao nhất ước đạt 500kg/sào, nhưng bình quân chỉ đạt khoảng 300kg/sào. Giá cả thì không chừng. Có năm lên tới cả 100.000 đồng/kg, nhưng có năm rớt giá chỉ còn 30.000-40.000 đồng/kg. Năm nay tỏi được mùa, có giá là 50.000 đồng/kg. Đặc biệt với tỏi mồ côi hay còn gọi là tỏi cô đơn, tức mỗi củ là một tép lớn, có giá cả triệu đồng/kg. Giống tỏi này không trồng riêng được, mà sinh trưởng tự nhiên, mỗi sào thường lẫn trên dưới 1kg. Trước đây con cái còn nhỏ, gia đình làm nhiều, nhưng nay đã có tuổi nên ông bà chỉ làm có 4 sào tỏi, thu hoạch tỏi xong thì trồng hai vụ hành, xen với đậu, lạc, ngô. Trừ mọi chi phí mỗi năm cũng thu về khoảng 80 triệu đồng. Nói chung là đủ ăn và có chút tích lũy…

Ông Nghi kể, có thời điểm tư thương chở tỏi từ đất liền ra đảo Lý Sơn, rồi sau đó lại chở ngược từ Lý Sơn ra đất liền và nói đó là tỏi Lý Sơn. Khi xảy ra hiện tượng này, huyện đã cấm các tàu vận tải không được chở tỏi ở đất liền ra đảo. Ngay như vừa rồi, có người chuyển theo đường tàu khách 200kg tỏi từ đất liền vào. Được mật báo, huyện đã cho biên phòng bắt giữ, tịch thu tỏi và phạt nặng chủ tàu. Nhờ thế mà tình trạng trên đã không còn tái diễn. Và năm 2009, cây tỏi Lý Sơn đã được công nhận thương hiệu. Nhờ thế mà giá trị của tỏi Lý Sơn được nâng lên rất nhiều.

Có thể nói, với hai ngành nghề chủ đạo là vươn khơi bám biển và làm nông nghiệp thì người dân Lý Sơn có thu nhập mới chỉ ở mức đủ ăn. Nghề biển vì phải đánh bắt xa bờ, chủ yếu tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nên chứa đựng nhiều rủi ro, nguy hiểm; còn nông nghiệp thì đất chật người đông, mỗi khẩu chỉ được chia 100m2 đất canh tác, khi bão lớn ập đến là thổi tung cả tỏi, hành và lớp cát phủ trên nền đất thịt bazan.

*

Rõ ràng, khó khăn vẫn đang còn đè nặng Lý Sơn - một huyện đảo với số dân gần 22.000 người và cách đất liền 18 hải lý. Hơn nữa, huyện đảo Lý Sơn lại giữ một vị trí chiến lược quan trọng trên vùng biển Đông, góp phần quan trọng trong chiến lược kinh tế biển cũng như việc bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo. Tuy nhiên, trong cái khó khăn ấy đã bộc lộ những tiềm năng to lớn khi mà điện lưới quốc gia sẽ về đến đảo vào cuối năm nay. Quanh đảo Lý Sơn với những rạn san hô, rong biển, cỏ biển còn thuần khiết, rồi bãi tắm phẳng đẹp chạy dài dưới chân cột cờ và phía trên cột cờ là hồ nước ngọt rộng 10ha được xây dựng trên lòng miệng núi lửa Thới Lới. Lý Sơn lại có nhiều di tích lịch sử và văn hóa cấp quốc gia, nhiều giá trị văn hóa cổ xưa có niên đại hàng ngàn năm như văn hóa tiền Sa Huỳnh và hậu Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa, rồi di chỉ Xóm Ốc và Suối Chình, ấy là chưa kể đến Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - là sự tiếp nối truyền thống của ông cha trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo được tổ chức trang trọng ở cấp huyện và tại các đình làng, dòng họ.

Có thể nói, nhiều cơ hội lớn đang chờ đợi các nhà đầu tư. Và nhiều nhà đầu tư đã tìm đến, đã có những dự định xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, rồi resort, hệ thống nhà hàng, khách sạn… Dẫu vậy, dự định vẫn là dự định! Cái họ đang chờ là điện lưới quốc gia! Dù các nhà đầu tư chưa chịu bỏ vốn, nhưng người dân sở tại đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, xây dựng những nhà hàng, nhà nghỉ, dù tiện nghi còn sơ sài, thậm chí nhiều gia đình đã đưa khách du lịch về ăn nghỉ tại nhà mình. Bởi thế mà lượng khách du lịch đến thăm đảo ngày càng đông, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, nếu như không đặt trước thì ngay vé tàu cao tốc ra đảo Lý Sơn cũng rất khó mà mua được...

Buổi chiều, khi mà nghi lễ chôn cất cá Ông đã hoàn tất, Phạm Thành Tân, Bí thư đoàn xã An Hải cùng một số anh em rủ tôi đi câu cá và tắm biển. Các anh mang theo mồi câu, súng gỗ có mũi tên sắt khứa ngạnh để bắn cá và mấy cái can nhựa vặn chặt nắp nhưng xẻ ô vuông trên thành can. Chúng tôi chạy xe máy băng qua những ruộng ngô đang độ xanh mởn, những ruộng hành mới nhú độ một lóng tay được tưới bằng hệ thống phun tự động. Một bên là nhà cửa của dân khang trang, san sát nhau. Có lẽ vì bão tố triền miên, nên dù không có tiền, họ cũng phải cố vay mượn để mà xây dựng nhà kiên cố.

Nhóm chúng tôi chia làm hai ngả. Một vài người rẽ sang vũng neo đậu tàu thuyền để thả câu. Đây là dự án lớn mà trung ương đầu tư cho Lý Sơn, giai đoạn 1 neo đậu được 300 tàu. Giai đoạn 2 đang thi công và khi hoàn thành sẽ neo đậu được 500 tàu. Nhờ đó mà bà con ngư dân không phải vào đất liền neo đậu. Ngoài 462 tàu của ngư dân đảo Lý Sơn, những tàu thuyền đánh bắt ở gần đảo cũng có thể vào đây neo đậu an toàn. Và cũng quanh khu vực này, cùng với điện lưới quốc gia được đưa về thì các dịch vụ của hậu cần nghề cá sẽ phát triển như: chế biến, đông lạnh, dầu máy, sửa chữa tàu thuyền... Bà con ngư dân sẽ không còn chịu cảnh bị ép giá mỗi khi hàng loạt tàu cùng lúc vào đất liền bán hải sản, mua dầu và mua đá.

Tân kéo tôi và Phạm Văn Sơn, tiểu đội trưởng dân quân xã An Hải rẽ sang ngả thứ hai là bãi Hang Câu, phía trên là vách núi dựng đứng. Bãi biển gần như còn nguyên sơ, chưa khai thác gì. Tân đưa tôi kính lặn biển, còn anh và Sơn xách súng, can nhựa đi dọc bãi biển. Tôi dò dẫm xuống biển. Nước trong và xanh ngắt, nhìn xuống tận đáy. Tảo và rong biển đậm đặc. Tôi đeo kính, lặn xuống và vô cùng kinh ngạc vì cơ man nào là tôm, cua, cá với đủ loại sắc màu, kích cỡ; chẳng khác nào một thủy cung trên cạn.

Một lúc sau tôi lên bờ thì đã thấy bếp than hoa rực hồng, mọi người ngồi vòng tròn vừa nướng cua, tôm, cá mới bắt được vừa cười nói vui vẻ. Trong can nhựa của Sơn có hai con cá trình hoa da báo. Can nhựa của Tân cũng bắn được hai con trình trắng và một số loại cá khác. Những chú trình này đều nặng trên dưới hai cân. Nhóm thả câu bên vũng neo đậu tàu cũng mang về được mấy con cá mú. Cá tươi gặp than hồng cháy xèo xèo, tỏa mùi thơm quyến rũ. Rượu quê được rót ra cốc nhựa, mọi người chuyền tay nhau cùng uống chung. Tờ báo được trải ra bày sẵn mấy cái đĩa gồm có cua, tôm, cá, lạc rang, xoài xanh và cả tỏi Lý Sơn nữa. Tôi chợt thốt lên, thật là một bữa tiệc thịnh soạn!...

Hoàng hôn đổ bóng cũng là lúc chúng tôi ra về. Men rượu nồng khiến tôi lâng lâng và trong lòng bỗng trào dâng bao cảm xúc về Lý Sơn - nơi đảo tiền tiêu lưu giữ những giá trị văn hóa cổ xưa, chứa đựng những sản vật quý hiếm và đặc biệt là con người Lý Sơn khảng khái, kiên cường và chân mộc như hương biển mặn mòi!./.

Lý Sơn tháng 4/2014