Vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong những ngày qua trở nên nóng hơn bao giờ hết khi các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ vi phạm trong nhập khẩu thịt, thực phẩm đông lạnh và sữa “nghèo” đạm. Vấn đề đặt ra là, cần có những chế tài mạnh hơn để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

5 thách thức lớn

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở Việt Nam, hằng năm có hơn 3 triệu trường hợp nhiễm độc, gây thiệt hại hơn 200 triệu USD (khoảng 3.400 tỉ đồng). Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), ATVSTP ở Việt Nam đang đối mặt với 5 thách thức lớn: Thứ nhất, tỉ lệ ô nhiễm các vi sinh vật, các chất hóa học trên nông sản (rau, củ, quả), trên thịt gia súc, gia cầm khá cao. Thứ hai, khó khăn trong kiểm soát thực phẩm nhập lậu qua biên giới. Thứ ba, thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường còn nhiều. Thứ tư, ngộ độc thực phẩm ở các KCN, các bếp ăn tập thể diễn biến phức tạp. Thứ năm, điều kiện vệ sinh ở các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, cơ sở sản xuất theo mùa vụ không đảm bảo.

Việc đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng (NTD) đang gặp nhiều khó khăn. Kinh phí được cấp cho công tác đảm bảo ATVSTP ở nước ta chỉ khoảng 1.000 đồng/người/năm, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Do kinh phí thấp dẫn đến công tác thanh tra, kiểm tra ở các địa phương chưa được thường xuyên. Hệ thống văn bản pháp luật, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSTP, bảo vệ quyền lợi NTD thời gian qua chưa đồng bộ và thiếu tính răn đe.

Ông Phong cho rằng, ATVSTP liên quan đến nhiều vấn đề trong đời sống xã hội: kinh tế, môi trường, phong tục tập quán, thói quen sử dụng thực phẩm… Trong những năm gần đây, đời sống người dân đã được nâng cao, nhưng vẫn còn một bộ phận khá lớn người nghèo sẵn sàng chấp nhận lựa chọn thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh bởi giá rẻ. Do phong tục tập quán, thói quen của nhiều người có điều kiện kinh tế khá vẫn thích ăn gỏi cá, tiết canh, gỏi nạc (món thịt sống)… không đảm bảo ATVSTP. Người tiêu dùng cũng thường có thói quen mua thực phẩm vỉa hè không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã tăng cường hệ thống tổ chức, thanh tra, kiểm nghiệm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Cả nước có gần 10 triệu hộ nông dân, hầu hết đều tham gia sản xuất, thậm chí cả kinh doanh thực phẩm nên rất khó quản lý. Rồi thức ăn đường phố đa phần không đảm bảo an toàn vệ sinh nhưng rất khó xử lý. Theo điều tra, khảo sát, những người kinh doanh đường phố phần lớn điều kiện kinh tế khó khăn, kiến thức về ATVSTP hạn chế, họ chỉ chú ý đến lợi nhuận mua nguyên liệu chế biến giá rẻ, không đảm bảo. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này không dễ bởi nó liên quan đến nhiều vấn đề khác như: giao thông, hạ tầng, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cung cấp nước sạch, kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường… Bởi thế, chỉ riêng ngành y tế thì khó mà giải quyết được.

Có Luật ATVSTP, tình hình sẽ được cải thiện?

Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, mới đây, Chính phủ đã tăng kinh phí cho công tác quản lý ATVSTP đạt mức bình quân khoảng 9.000 đồng/người/năm; đồng thời, tăng cường nguồn nhân lực cho ngành y tế, hệ thống thanh tra, kiểm nghiệm cũng được tăng cường. Ông Phong cho rằng, vấn đề còn lại là chúng ta cần vận hành tốt bộ máy và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí mà Chính phủ đã cấp.

Theo một điều tra, khoảng 87,6% cán bộ quản lý, 49,4% số người kinh doanh thực phẩm, 55,7% số người sản xuất thực phẩm và gần 49% số NTD hiểu đúng về ATVSTP. Gần 90% số cơ sở dịch vụ ăn uống chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATVSTP.

Bộ Y tế cũng nhận thức được hệ thống văn bản pháp luật về công tác quản lý ATVSTP có nhiều bất cập. Trong 10 năm qua, có tới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý ATVSTP. Những văn bản này do nhiều đơn vị khác nhau ban hành nên không thể tránh được những chồng chéo, bất cập cần sửa đổi cho phù hợp. Do đó, Bộ Y tế đã có kế hoạch trình các bộ, ngành liên quan đóng góp ý kiến cho việc xây dựng Luật ATVSTP, nhằm khắc phục những chồng chéo, bất cập ở những văn bản đã ban hành.

Về điều này, ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam cho rằng, trong Luật ATVSTP cần tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đủ sức răn đe và đổi mới phương thức quản lý, thay vì lâu nay để các nhà sản xuất tự công bố chất lượng, tự lấy mẫu kiểm nghiệm, tự kê khai điều kiện ATVSTP và các cơ quan Nhà nước chủ yếu làm công tác hậu kiểm thì thời gian tới, đối với một số sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm có nguy cơ cao, chúng ta phải thực hiện theo Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tức là chúng ta ban hành các quy chuẩn chất lượng để các nhà sản xuất công bố hợp chuẩn, hợp quy, có như vậy mới đảm bảo ATVSTP./.