Hoang mang chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm

Những năm gần đây, các cơ quan quản lý, ban ngành chức năng, dù rất cố gắng với nhiều giải pháp, nhưng tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta vẫn tăng cao về cả số lượng và mức độ.

Hàng loạt vụ việc gây bất bình trong dư luận như: nguyên liệu làm mứt Tết có dòi, mỡ thối được dùng làm bánh trung thu, cháo dinh dưỡng sử dụng Natri Benzoat, hạt dưa dùng phẩm chứa aRhodamin B – một chất có thể gây ung thư để nhuộm màu, chế biến mỡ động vật kém chất lượng, nước khoáng đóng chai, nước tinh khiết đóng bình nhiễm khuẩn, nước sinh hoạt nhiễm Amoni vượt quá mức quy định cho phép, các loại sữa nghèo đạm, rau củ quả không an toàn…

Tình trạng nhập khẩu phụ phẩm thịt không đảm bảo an toàn, buôn bán nội tạng động vật không rõ nguồn gốc qua biên giới năm 2009 đã tăng gấp 3 lần so với năm 2008.

Quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng không được đảm bảo khi một số doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận mà quên đi nghĩa vụ đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đâu là cơ sở niềm tin cho người tiêu dùng?

Thực tế, người tiêu dùng khó có thể biết chắc chắn thực phẩm mình mua có đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm hay không? Thạc sĩ Vũ Hồng Sơn, giảng viên Bộ môn Quản lý chất lượng và thực phẩm nhiệt đới, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Người tiêu dùng chỉ có thể nhận biết bằng cảm tính, quan sát bằng mắt thường để chọn mua sản phẩm, chứ thực tế không thể yên tâm hoàn toàn với chất lượng các thực phẩm hiện nay.

Lý do, theo ông Vũ Hồng Sơn, bởi có những sản phẩm được sản xuất bởi công ty có uy tín, cũng có những sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng. Và nếu người tiêu dùng chỉ nhìn vào nhãn mác của sản phẩm thôi thì cũng không thể phân tích được mức độ an toàn của sản phẩm đó.

Về phần mình, bà Lê Thị Huyền Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Rau an toàn ASIMO nêu ý kiến: Mặc dù các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín trong việc sản xuất chế biến thực phẩm luôn đặt trách nhiệm và quyền lợi người tiêu dùng lên trên hết, nhưng chừng ấy cũng chưa đủ khi có rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ chạy theo lợi nhuận, thiếu đầu tư dây chuyền công nghệ.

Trách nhiệm và đạo đức doanh nghiệp

Theo các nhà khoa học, mấu chốt của vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay là trách nhiệm và đạo đức từ phía doanh nghiệp. Mặc dù có nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, nhưng những hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn ngày càng trầm trọng.

Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho rằng, bảo đảm an toàn thực phẩm là bảo đảm cả chuỗi cung cấp thực phẩm từ khi lựa chọn giống vật nuôi, cây trồng, đất, nước, vùng chăn nuôi, trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, phân bón, sử dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, bảo quản thực phẩm, vận chuyển thực phẩm đến siêu thị, cửa hàng và đến người tiêu dùng. Bất kỳ một mắt xích nào trong chuỗi cung cấp thực phẩm trên không bảo đảm cũng sẽ dẫn đến thực phẩm không an toàn cho người sử dụng.

Trong Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (từ 15/4-15/5), rất nhiều doanh nghiệp đã hưởng ứng chủ đề “Giữ vững cam kết và trách nhiệm của doanh nghiệp với vệ sinh an toàn thực phẩm”, do Ban Chỉ đạo Liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm phát động. Tuy nhiên, hành động vì an toàn thực phẩm phải là hành động thường xuyên, liên tục, nếu không chỉ là hình thức, và cuối cùng vẫn như “muối bỏ bể”. Các cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm cam kết về các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị sản phẩm. Chỉ khi nào nhà sản xuất có đạo đức kinh doanh, khi đó mới không còn những thực phẩm nhiễm khuẩn, mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng./.