Ngày 20/7, Đoàn công tác của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) do Cục trưởng Đặng Quang Tấn làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk về công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu và một số dịch bệnh khác trên địa bàn.

a_2_vov_nikf.jpg
                         Cán bộ y tế phun thuốc khử khuẩn cho người và phương tiện ra vào vùng có ca bệnh.

Tính đến chiều 20/7, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 18 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại 7 xã thuộc 5 huyện: Lắk, M’Đrắk, Krông Bông, Cư M’gar và Cư Kuin. Trước tình hình này, ngành y tế đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu: tiến hành điều tra thông tin ca bệnh tại các cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân và người tiếp xúc để xét nghiệm kịp thời; điều tra các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ tại cộng đồng...

Đến nay, Đắk Lắk đã tiến hành cách ly 8.580 trường hợp, xử lý hóa chất cho gần 2.000 hộ gia đình; hơn 4.300 trường hợp được uống kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu cho 6.550 trường hợp.

Cùng với đó, chính quyền các địa phương lập các chốt kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại các cửa ngõ ra vào của vùng có ca bệnh; hướng dẫn, tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu cho các đơn vị y tế; tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho nhân dân vùng khó khăn khi phải cách ly…

             Đoàn công tác của Cục y tế thăm bệnh nhân bạch hầu đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Cư Kuin.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị, ứng phó của ngành y tế Đắk Lắk đối với tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tuy nhiên, ông Đặng Quang Tấn Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, cùng với công tác phát hiện, điều trị và dự phòng đối với bệnh bạch hầu, ngành y tế Đắk Lắk cần triển khai nhanh chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh cho người dân theo thứ tự ưu tiên từ nơi có ca bệnh đến vùng lõm về tiêm chủng, tiến tới tiêm vác xin cho toàn dân. Để làm được điều này, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, đoàn thể khác.

“Vấn đề ra soát theo từng nhóm đối tượng rất là quan trọng, chúng tôi đề nghị Sở Y tế chỉ đạo cũng như đề xuất Ủy ban nhân dân để phối hợp với  các bên liên quan, đặc biệt là chính quyền, rà soát những đối tượng. Bên cạnh đó, có thứ tự ưu tiên, sẽ triển khai lần lượt những huyện nào hoặc xã nào có bệnh nhân thì triển khai trước chứ không dàn trải, dàn trải thì nguồn lực cũng như công sức tập trung rất khó. Trước những buổi tiêm chủng, cần có khám sàng lọc, những đối tượng nào thuộc nguy cơ hay người già thì hiệu quả cũng cao hơn.”- ông Tấn cho biết./.