Đến 9h ngày 16/9, Việt Nam có tổng cộng 1063 ca mắc Covid-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Đến thời điểm này, số ca điều trị khỏi là 931 ca.
Hôm nay là ngày thứ 15 nước ta không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, chia sẻ phóng viên VOV.VN, BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn cho rằng, đến thời điểm này, nước ta cơ bản đã khống chế dịch Covid-19 thành công. Đây là thành quả mà chúng ta đã đạt được và cần tiếp tục duy trì.
Theo BS Phúc, thời gian qua, chúng ta đã triển khai hàng loạt biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát được tình hình tại các ổ dịch ở Đà Nẵng, Hải Dương... Tuy nhiên, thời gian tới, nguy cơ dịch Covid-19 vẫn thường trực và tiếp tục có các ca mắc bệnh mới trong cộng đồng. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải hiểu biết về dịch và chung sống an toàn với đại dịch Covid-19.
“Theo quy luật, chúng ta sẽ duy trì thành quả này trong vòng 2-3 tháng tới, sau đó có thể xảy ra các ổ dịch và những đợt dịch tiếp theo. Vì vậy, chúng ta không được phép chủ quan, ngăn chặn dịch ngay từ biên giới, từ những ca xâm nhập vào nước ta, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch những ca bệnh, ổ dịch nhỏ để khống chế không bùng phát thành những ổ dịch lớn. Nếu theo chu kỳ tính toán, dịch bệnh có thể kéo dài đến mùa hè thậm chí đến cuối sang năm, khi đó mới khống chế được hoàn toàn dịch bệnh, vì vậy phải chung sống an toàn với dịch”- BS Phúc nói.
BS Phúc cũng cho rằng, mỗi người dân phải có ý thức phòng chống dịch bệnh cho riêng mình để tránh lây nhiễm, bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách đối với những người xung quanh. Bên cạnh đó, ở một quy mô lớn hơn đối với xã hội, chúng ta cần cố gắng bảo vệ nhóm người dân có nguy cơ mắc Covid-19, cụ thể là những người mắc bệnh mãn tính, tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch... bởi những đối tượng này có thụ thể rất nhạy cảm với virus. “Khi có hình thức bảo vệ với cá nhân và từng nhóm đối tượng, bảo vệ những nơi có thể bùng phát dịch, chúng ta có thể kiểm soát được dịch bệnh trong khả năng của mình”- BS Phúc cho biết.
Vừa qua, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người hãy thực hiện "5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế" để giữ an toàn cho chính bạn và người xung quanh trước đại dịch Covid-19. Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, thực hành tốt thông điệp 5K chính là “Lá chắn thép” để bảo vệ chúng ta trước đại dịch Covid-19.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, 5K này là 5 hành động cốt yếu để phòng bệnh cho người thân và cộng đồng. “Nếu đeo khẩu trang sẽ phòng lây bệnh cho người khác và để mình không bị bệnh. Khử khuẩn các bề mặt và rửa tay thường xuyên để phòng bệnh. Vấn đề khoảng cách tối thiểu 1m-1,5m, nếu 2m thì càng tốt; không tụ tập cũng liên quan đến vấn đề khoảng cách, khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức để hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Khai báo y tế cũng rất quan trọng, khi có bệnh nhân dương tính thì có thể truy vết để tìm người tiếp xúc gần, tiếp xúc F1, F2 tiến hành xét nghiệm, khoang vùng, dập dịch”- PGS Trần Đắc Phu nêu rõ.
Vì vậy, theo PGS Phu, 5K vô cùng quan trọng ngay khi có dịch và cả khi tình hình mới hiện nay. Bản thân chúng ta không biết ai mắc bệnh, do đó 5K để phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng, thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phòng dịch tốt vừa phát triển kinh tế.
“Các chuyên gia cho rằng ít nhất phải gần 2 năm nữa dịch Covid-19 mới kết thúc. Trong khi chờ có vaccine phòng dịch Covid-19, trước tiên chúng ta phải nâng cao ý thức cộng đồng. 5K hoàn toàn là hành vi của con người, chính bản thân có thể làm để phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng chứ không phải ai làm hộ”- BS Phu cho biết./.