Mùa Đông năm 1972, trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, bom B52 của không lực Hoa Kỳ đã khiến Nhà máy Mễ Trì phát sóng 297m, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) bị mất sóng phát thanh 9 phút.

Nhưng chỉ sau 9 phút lịch sử ấy, Tiếng nói Việt Nam lại lại đĩnh đạc vang lên, làm thất bại dã tâm của địch; khẳng định không có âm mưu độc ác, thủ đoạn đê hèn nào của kẻ thù có thể làm tắt được làn sóng VOV dù mới chỉ sơ khai trong những năm kháng chiến chống Pháp ở núi rừng Việt Bắc hay ở bưng biền Đồng Tháp trong những năm chống Mỹ ác liệt.

dai_vov_fgwg.jpg
Hình ảnh máy phát sóng tại Đài CK2

Những ngày mùa đông năm 1972, Hà Nội chìm trong giá lạnh, những người Thủ đô lại nóng ran bởi tiếng còi báo động.

Tiếng loa truyền thanh khắp các ngã phố liên tục truyền lệnh “sơ tán triệt để”, các lực lượng phòng không, dân quân tự vệ sẵn sàng chiến đấu.

Khi ấy, tổ trực ca của Đài Phát sóng phát thanh Mễ Trì mắt thức trắng, tai lắng nghe mọi âm thanh trên mặt đất, trong không gian.

Như lệ thường, 5 giờ kém 5 phút, khúc nhạc “Chiến thắng Điện Biên Phủ” hùng tráng của Đài Phát thanh Quốc gia vang khắp bầu trời báo hiệu bình minh lên của mỗi ngày.

Buổi phát thanh tin tức đầu ngày của VOV đang giới thiệu chương trình trên các làn sóng 297m, 31m, 41m, 49m và 63m thì bom hủy diệt của máy bay B 52 không lực Mỹ ào ạt dội xuống.

Bom từ máy bay B52 ném xuống đánh sập nhà máy B, một công nhân tự vệ bảo vệ nhà máy hy sinh, sóng trung chủ lực 297m cùng các sóng ngắn 31m, 41m, 49m, 63m bị mất.

Lãnh đạo VOV lệnh cho các đài dự phòng phát sóng. Đài Mễ Trì thực hiện ngay sơ tán triệt để.

Sau 9 phút, lập tức đài CK2 lên sóng, thay thế toàn bộ sóng của đài Mễ Trì, đồng thời phát sóng gốc cho các đài khác trong hệ thống dự phòng theo “kế hoạch 99” bảo đảm làn sóng phát thanh liên tục trong mọi tình huống.

Ông Vũ Đăng Khoa, từng phụ trách quản lý và khai thác phát sóng Đài CK2 kể lại: “Để chuẩn bị phương án thay thế Đài Mễ Trì, Đài CK2 chấp hành lệnh của Cục quản lý kỹ thuật phát thanh theo kế hoạch 99 có tập trước. Có 2 phương án luôn luôn theo dõi sóng để phát hiện ra tình huống địch đánh phá Mễ trì. Thứ nhất là phải nghe đài, bám sát sóng 297m. Hai là quan sát cử người ở ngoài nghe tiếng máy bay, nhìn về hướng Đài Mễ Trì nếu có đánh phá thì phải báo cáo và xử lý tình huống ngay”.

Những ngày làm Tết ở Đài VOV

VOV.VN -"Làm Tết” là từ mà các phóng viên nhà Đài VOV dùng để chỉ công việc của ekip làm các chương trình phát thanh đặc biệt "Mừng Xuân mới" đêm Giao thừa...

9 phút mất sóng phát thanh là khoảng thời gian bóp nghẹt triệu triệu con tim người dân đất Việt, làm bạn bè khắp năm châu nín thở hướng về Việt Nam - nơi đang đang đối đầu với kẻ thù mạnh và hiện đại gấp nhiều lần.

Được lệnh của lãnh đạo Đài, máy phát dự phòng ở 58 Quán Sứ lên sóng 297m để giữ cho khu vực Hà Nội, đồng thời Đài CK2 lên sóng 31m, 41m, 49m thay thế Đài Mễ Trì. Đài CK2 lên sóng theo các phương án dự phòng.

Lúc 5h14', sóng 297m phát lại tại 58 Quán Sứ đã lên sóng trùng khớp với tần số của Đài Mễ Trì, mặc dù công suất chỉ bằng 1/50 so với Đài Mễ Trì nhưng cũng phủ sóng được cho khu vực Hà Nội.

Các sóng ngắn 31m, 41m, và 49m ở CK2 đến 5h15 phút đều lên thay thế cho các sóng của đài Mễ Trì.

Ông Huỳnh Ngọc Ấn, nguyên Trưởng Đài CK2, nguyên Phó Tổng Giám đốc VOV cho biết: “Đài Mễ Trì bị đánh thì Đài CK2 làm nhiệm vụ phát sóng gốc cơ bản. Đài CK2 lúc đó nằm trong núi nhưng có 11 sóng. Phát sóng gốc VOV để cho những đài khác tiếp âm. Phát sóng chính thức cho Đài Giải phóng, phát sóng gốc cho Đài Lào và phát sóng đối ngoại. Như vậy, với 12 sóng này, Đài CK2 là dự phòng cấp 1 cho Đài Mễ Trì”.

Liên tiếp trong các ngày từ 22-26/12, máy bay B52 liên tục ném bom hủy diệt xuống Bệnh viện Bạch Mai, ga Giáp Bát, phố Khâm Thiên, Đài Phát sóng Bạch Mai...

Khu tập thể VOV ở 128C Đại La bị tàn phá. Hàng trăm cán bộ, phóng viên, phát thanh viên, nghệ sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên Đài phát thanh Quốc gia bị bom Mỹ tàn phá nhà cửa, của cải, nhưng vẫn kiên trì bám trụ, bám phòng thu, bám máy bảo đảm làn sóng an toàn.

Hàng trăm tin tức, bình luận, hàng chục phóng sự nóng hổi từ Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai, Uy Nỗ, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh, Vĩnh Tuy, Giáp Bát, An Dương truyền đi tội ác của giặc Mỹ và ngợi ca tinh thần chiến đấu, anh dũng hy sinh của quân dân Hà Nội.

Bà Tô Thị Ánh Tuyết, từng là kỹ thuật viên của Đài Mễ Trì và Đài CK2 cho biết: “Lúc đó, dù khó khăn vất vả nhưng tinh thần của ai cũng quyết tâm. Ví dụ trong Đài CK2, khi mà bắn phá Mễ Trì thì máy bay lượn trên đầu cả ngày cả đêm thậm chí không nấu được cơm vì sợ có khói. Ngày xưa làm gì có điện, có bom, phải nấu bằng bếp củi. Nó bỏ bom thì không trúng đài nhưng trúng xung quanh, các nông trường xung quanh họ phải sơ tán. Đài CK2 gần như cô lập, nhưng mình phải bám trụ, không thể đi được, mất điện thì phải chạy máy nổ, liên tục, liên tục”.

Đêm ngày 27/12/1972, giữa lòng Thủ đô rực lửa, từ trong căn hầm trực chiến của VOV ở 58 Quán Sứ, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã hoàn thành ca khúc “Hà Nội - Điện Biên Phủ”.

Ngay sau đó, các ca sĩ trực chiến của Đoàn Ca nhạc VOV đã kịp thời dàn dựng, thu thanh và phát sóng, thể hiện khí thế hào hùng của dân tộc...

Chiến dịch Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không của Mỹ đánh phá Hà Nội, trong đó có âm mưu làm im Tiếng nói Việt Nam, nhưng chúng đã thất bại hoàn toàn.

Làn sóng của Đài giống như dòng sông trên cao vẫn tiếp tục chảy, vẫn đĩnh đạc vang xa trên mọi miền Tổ quốc, đến với bạn bè năm châu bốn bể để vạch trần tội ác hủy diệt của Đế quốc Mỹ đối với Việt Nam.

Giữ sóng liên tục trong mọi tình huống là lương tâm, trách nhiệm của những người làm kỹ thuật phát thanh, không có âm mưu độc ác, thủ đoạn đê hèn nào của kẻ thù có thể làm tắt được làn sóng của VOV.

Cho đến ngày nay, Tiếng nói Việt Nam vẫn đang đồng hành cùng thính giả, cùng sự phát triển ngày càng đi lên của đất nước./.