Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng cho biết việc tinh giản biên chế đã được đặt ra từ lâu. Nhưng vấn đề là tinh giản ở bộ phận nào, hành pháp, lập pháp, tư pháp, tổ chức chính trị- xã hội...
Cần định nghĩa rõ ai là công chức

ong-loi.jpg
Ông Đặng Như Lợi

PV:Nên giảm 100.000 biên chế ở khu vực nào, thưa ông?

Ông Đặng Như Lợi: Để trả lời câu hỏi này, trước tiên phải làm rõ ai là cán bộ công chức? Tôi thấy có những anh làm trong cơ quan công quyền, cán bộ công chức nhưng chức năng nhiệm vụ lại không phải công chức. Ví dụ như nhân viên văn thư, phục vụ, lái xe, hành chính… Từ việc định nghĩa thế nào là công chức cho đúng, xác định tiêu chuẩn chức danh sẽ tìm ra cơ sở để tinh giản biên chế. Theo tôi những người nào thực thi công vụ, tiếp xúc với người dân để giải quyết công vụ mới là công chức. 
Chứ không phải cứ làm trong cơ quan nhà nước thì đương nhiên là công chức. Và như vậy việc tinh giản được xem xét kỹ lưỡng chứ không chỉ về số lượng cơ học. Trước hết phải xây dựng được tiêu chuẩn chức danh công chức và vị trí việc làm tại mỗi cơ quan, đơn vị. Từ đó mới tính đến tinh giản biên chế.

PV:Còn về chất lượng công chức thế nào thưa ông?

Theo tôi để không xảy ra tình trạng “càng tinh càng tăng” chúng ta không thể giảm cơ học bình thường nhưng phải đặt ra cơ chế tự loại trừ để giảm biên chế. Nhiều nơi, có những người thuộc diện tinh giản do không đảm bảo yêu cầu công việc, nhưng họ lại có thế mạnh khác như quan hệ thân quen.

Chúng ta đang tổ chức và phân bổ số lượng biên chế theo đơn vị hành chính chứ không theo quy mô dân số. Ở đâu có chính quyền là có các cơ quan khác đi kèm nên không tinh gọn bộ máy được”.

Ông Đặng như Lợi

Ông Đặng Như Lợi: Song hành với việc tinh giản, vẫn phải nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức để đảm bảo hiệu quả của nhà nước trong quản lý xã hội. Chất lượng công chức cũng được đánh giá từ đầu những năm 90 khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương. 

Khi đó, đã đánh giá trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tồn tại nhiều vấn đề, trong đó khoảng 1/3 công chức không đảm bảo được yêu cầu của công việc, 1/3 công chức “chỉ đâu đánh đấy” và 1/3 còn lại phải làm việc hết mình, gồng gánh công việc cho cả bộ máy.

Và từ đó tới nay cũng chưa có chứng minh nào cho thấy chất lượng của 1/3 “không làm được việc” được nâng lên, số lượng tăng hay giảm đi. Trong khi đó chất lượng giáo dục, vốn là cái gốc của chất lượng công chức cũng chưa thấy khả quan. 

Trên thực tế, tôi thấy rằng càng ngày chất lượng và số lượng không đảm bảo được công việc càng tăng lên. Theo tôi hiện nay khoảng 40% công chức không đảm bảo yêu cầu.

Đánh giá cán bộ còn hình thức

PV:Hàng năm chúng ta vẫn có đánh giá cán bộ, phải chăng công tác đánh giá cán bộ chưa nghiêm túc?

Ông Đặng Như Lợi: Đúng là hàng năm chúng ta có đánh giá, xếp loại cán bộ, nhưng lại rất chung chung, dĩ hòa vi quý. Hàng năm tại các đơn vị phần lớn là lao động tiên tiến và tiên tiến xuất sắc. Chỉ một bộ phận nhỏ không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng vẫn tồn tại từ năm này qua năm khác. Việc đánh giá mang tính quyết định để nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy nhà nước thì hệ thống đánh giá của chúng ta lại không chuẩn xác, vì vậy không mang lại hiệu quả.

Trong quản lý xã hội hiện đại, việc gì thuộc chức năng quản lý nhà nước phải rõ chứ không phải nhà nước ôm đồm tất cả. Vậy ngoài tinh giản về số lượng công chức còn phải tinh giản đầu mối các cơ quan quản lý, bộ máy?

Đây là việc đã bàn từ lâu và mãi chưa thực hiện được. Giữa chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ, trách nhiệm chưa rõ ràng. Điều quan trọng nữa là kỷ cương pháp luật. Guồng máy của chúng ta hiện nay đã hợp lý chưa? Tại sao càng tinh giản biên chế thì số lượng càng tăng. Vì chúng ta chấp hành không nghiêm chủ trương được nêu ra./.