Ngày 13/2, một cuộc kiểm tra khám nghiệm tử thi sơ bộ người đàn ông quốc tịch Nhật Bản chết ở khách sạn tại Hà Nội, kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Truy vết sau đó phát hiện 2 người Nhật Bản cũng dương tính với SARS-CoV-2.
Cả 3 trường hợp đều có tải lượng virus rất cao, đặc biệt với người đàn ông đã tử vong là chuyên gia nên có lịch trình tiếp xúc rất phức tạp. Vụ việc xảy ra đúng thời điểm Tết Nguyên đán cộng với đó là thêm gần 20.000 người từ Hải Dương trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết khiến dư luận và trên mạng xã hội nhiều người bầy tỏ sự lo lắng cực độ, rất có thể Hà Nội sẽ phải đối mặt với tình huống tồi tệ nhất. Sự lo lắng của nhiều người hoàn toàn có lý. Nhưng tôi không nghĩ Hà Nội sẽ bung và toang!
Tại sao tôi lại có niềm tin như vậy?
Tin vào kinh nghiệm phòng chống dịch của Hà Nội
Hà Nội có dân số đứng thứ 2 trong số các thành phố, cả về số lượng và mật độ nên thường xuyên đối mặt với các dịch bệnh truyền nhiễm. Tháng 6/2015, khi dịch MESR-CoV gieo rắc chết chóc đến mức bất cứ ai biết về căn bệnh này cũng phải kinh hãi, cứ 10 người mắc sẽ có khoảng 4 người chết, Hà Nội được giao nhiệm vụ diễn tập mẫu phòng chống dịch.
Thời điểm đó, tôi có tham gia viết kịch bản, kiêm cả một phần đạo diễn; vì thế mà tôi cũng phần nào hiểu được năng lực của Hà Nội. Làn sóng dịch tháng 4 và tháng 7/2020, Hà Nội phát hiện, truy vết tiếp xúc, xét nghiệm thần tốc hàng trăm ngàn người, nhanh chóng làm chủ tình hình, đó chính là ví dụ minh chứng rõ ràng về năng lực của Thủ đô.
Tin vào sức khỏe người dân Hà Nội, đặc biệt người ở nội thành
Là một bác sĩ, tôi cố gắng quan sát tỉ mỉ bệnh nhân của mình, điều đó sẽ giúp được cho bệnh nhân và công việc của tôi. Hơn 20 năm chỉ làm công tác chuyên môn khám chữa bệnh tôi nhận thấy, dân nội thành Hà Nội có sức khỏe tốt hơn hẳn, vùng nông thôn ngoại thành sẽ có nhiều bệnh tật hơn, người dân các tỉnh khác về càng không tốt bằng.
Hàng ngày có bệnh nhân ở các tỉnh về khám, tôi vẫn nghe thấy những người phụ nữ 50 trở lại xưng với tôi cô cháu, thậm chí là bà cháu. Tuổi thọ trung bình của Hà Nội cũng đang xếp thứ nhất so với 63 tỉnh thành trong cả nước. Rõ ràng, sức khỏe tốt hơn thì khả năng đề kháng với virus sẽ tốt hơn, theo tôi đó là logic phù hợp.
Vaccine từ thời ấu thơ
Tôi đánh giá rất cao ý thức của người Hà Nội tiêm chủng cho con cháu của họ. Mạng lưới tiêm chủng cũng vậy, ngoài các trung tâm và cơ sở tiêm chúng chuyên biệt, trung tâm y tế, mạng lưới y tế phường xã, còn có sự tham gia của các bệnh viện, sự hỗ trợ của các hội đoàn đặc biệt là Hội phụ nữ; đã góp phần đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng ở Hà Nội đạt rất cao theo như tôi quan sát mỗi lần đến các cơ sở công tác.
Trong đại dịch Covid-19, một số nhà khoa học thế giới đưa ra giả thuyết rằng những lần tiêm chủng và phơi nhiễm một số bệnh truyền nhiễm ở tuổi ấu thơ có thể giúp cơ thể giảm lây nhiễm bệnh Covid-19. Ví dụ vaccine BCG phòng bệnh lao có thể kích thích chức năng miễn dịch bẩm sinh của con người.
Hiện tại, các nhà khoa học đã tiến hành một số thử nghiệm lâm sàng về vaccine này để kiểm tra xem nó có tác dụng bảo vệ đối với loại Coronavirus mới hay không. Thực tế biến thể virus ở Anh có tỉ lệ lây nhiễm mà nước Anh đã trở tay không kịp, tỉ lệ tử vong cũng rất cao, nhưng đến nay Hải Dương mới chỉ có 590 ca kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên từ ngày 27/1.
Sự hiểu biết phòng chống dịch bệnh, đặc điểm tính cách góp phần hạn chế lây nhiễm.
Hà Nội khá chật chội, nhưng khoảng cách không gian lại vời vợi làm cho con người ta có vẻ bên ngoài trở nên hờ hững, không quan tâm can thiệp đến chuyện riêng của người khác, không giao tiếp với hàng xóm láng giềng. Khu phố càng hiện đại thì con người càng rất xa nhau.
Nếu như ở nông thôn ngoài tình làng nghĩa xóm hàng ngày, hàng giờ ấm nước, điếu thuốc, tối lửa tắt đèn có nhau, trong một gia đình tứ đại đồng đường quây quần bên nhau, thì ở Hà Nội, ông bà riêng một nhà, bố mẹ con cái mỗi người một phòng, thời gian giao tiếp chung với nhau cũng không nhiều.
Nông thôn người trong xóm gặp nhau nói chuyện rất to và rất lâu. Hà Nội cùng tòa chung cư mỗi ngày chỉ gặp nhau thoáng chốc trong chiếc thang máy, họ cúi mặt vào điện thoại hoặc ngửa cổ lên trần, quen nhau cũng chỉ nhìn qua ánh mắt thêm câu chào chứ ít nói chuyện, lên nhà là đóng cửa kín suốt ngày.
Trong đại dịch Covid-19, lối sống cách biệt này lại trở thành ưu điểm, làm cho những ca bệnh rất khó lây nhiễm thành những ổ dịch lớn. Ngoài ra, sự hiểu biết, ý thức phòng chống dịch bệnh, sự tuân thủ những quy định của cơ quan chức năng, theo tôi đánh giá hầu hết người sống ở Hà Nội đều thực hiện tốt.
Cuối cùng, tôi cũng dành lời khen ngợi và chia sẻ với chính quyền và nhân dân Hải Dương đã chống dịch rất tốt, bởi virus biến thể của nước Anh lây lan cực nhanh, mô hình chống dịch cả ở nông thôn vẫn còn nhiều bất ngờ nên rất khó, Hải Dương giữ được mức độ lây nhiễm như vậy tôi cho rằng đó là một thành quả đòi hỏi phải nỗ lực rất nhiều.
Điều tôi muốn nhấn mạnh là, dự đoán chính xác mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào là rất khó, nhưng bằng khoa học và những lí lẽ hợp logic, chúng ta có thể dự báo một số điều với mức độ tự tin tương đối.
Với suy nghĩ đó, bài viết là những gì tôi mong đợi trong thời điểm tiếp theo của đợt dịch này, nó chỉ có ý nghĩa tham khảo vì tôi không có chuyên môn bệnh về dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 là thách thức mang tính toàn cầu, nên chúng ta dù lạc quan đến mấy cũng không được phép chủ quan để không bị trả giá. Tôi tin Hà Nội và Hải Dương sẽ khống chế xong dịch vào đầu tháng Ba tới./.