Điều này được quy định tại Nghị quyết số 33/NQ CP được Chính phủ ban hành ngày 19/5 vừa qua, kỳ vọng 4 bệnh viện lớn phát huy tính chủ động sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, bệnh viện được tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoàn toàn sẽ hoạt động như mô hình doanh nghiệp, cần được giám sát, đánh giá bởi một đơn vị độc lập để đảm bảo khách quan, minh bạch và không xảy ra tình trạng lạm thu.  

benh_vien_umwk.jpg
4 bệnh viện lớn được thí điểm tự chủ toàn diện

Thực hiện cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện, Bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Việc quyết định tự chủ toàn diện đối với 4 bệnh viện: K, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức có hiệu lực từ ngày 19/5/2019, nhưng đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành được khung giá để quy định mức trần giá dịch vụ theo yêu cầu… Mặt khác, khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành lập Hội đồng quản lý bệnh viện; đồng thời, cử Giám đốc đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc bệnh viện với thời gian tối đa 2 năm.

Trong thời gian kiện toàn, nếu Chủ tịch Hội đồng quản lý quá tuổi so với quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Tuy nhiên, hiện nay, phát sinh một trường hợp đặc biệt chưa được quy định hướng dẫn nên có nhiều ý kiến khách nhau. Đó là tại Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) hiện chưa có Giám đốc đương nhiệm mà chỉ có phó giám đốc phụ trách quản lý điều hành bệnh viện, năm nay cũng đến tuổi nghỉ hưu. Nhiều ý kiến cho rằng, trường hợp này không đủ điều kiện được cử làm Chủ tịch Hội đồng quản lý.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng cho rằng, nếu không thực hiện giám sát, đánh giá độc lập thì việc giải quyết những vướng mắc vừa nêu không đảm bảo khách quan, minh bạch.

 “Việc tự chủ hoàn toàn đối với 4 bệnh viện lớn này có thể sẽ dẫn đến nguy cơ độc quyền hoàn toàn về tiếng nói chuyên môn. Khi thực hiện thí điểm, cần phải theo dõi, đánh giá độc lập. Cụ thể là giao cho một tổ chức (ngoài Bộ Y tế) thực hiện giám sát, đánh giá độc lập. Chứ không thể tự thí điểm, tự đánh giá. Giám sát, đánh giá độc lập để xem xét có hay không tình trạng lẫn lộn công tư và sự tư lợi, vì những bệnh viện này vẫn đang là bệnh viện công”

Theo nghị quyết của Chính phủ, Hội đồng quản lý bệnh viện có từ 7 đến 11 người, trong đó có một đại diện của Bộ Y tế. Chủ tịch Hội đồng quản lý được quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư thuộc nhóm B và C. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay thì Ban giám sát việc thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện tại bệnh viện lại là những viên chức của chính bệnh viện đó. Nhiều ý kiến cho rằng việc này có thể dẫn đến kết quả giám sát không khách quan./.