Bộ GD-ĐT vừa ban hành Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng (ĐH, CĐ) hình thức Vừa làm vừa học (hệ tại chức cũ). Theo đó, có 3 đối tượng thuộc diện không được dự thi.

Theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hình thức vừa làm vừa học Bộ GD-ĐT vừa công bố, 3 đối tượng thuộc diện không được dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ hình thức vừa làm vừa học gồm: những người, không chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang trong thời kỳ thi hành án hình sự. Những người bị tước quyền dự thi tuyển sinh hoặc bị kỷ luật buộc thôi học chưa đủ thời hạn quy định tính từ ngày ký quyết định kỷ luật đến ngày dự thi. Quân nhân hoặc công an nhân dân tại ngũ chưa được thủ trưởng cơ quan cho phép đi học.

Ngoài những đối tượng trên, mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế, có đủ các điều kiện đều được dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ hình thức Vừa làm Vừa học như: Đã tốt nghiệp THPT theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề, trung cấp nghề.  Người đã tốt nghiệp trung cấp nghề phải là người đã tốt nghiệp trung học cơ sở, đã học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa trung học phổ thông đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Hệ Vừa học vừa làm tuyển sinh 4 đợt trong năm

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hàng năm các trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hình thức Vừa làm vừa học chỉ tổ chức tuyển sinh 4 đợt, vào các tháng 3, tháng 4, tháng 10 và tháng 11, mỗi đợt thi 4 ngày. Lịch thi do Hiệu trưởng nhà trường quy định.

Các trường tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng cao miền núi được ưu tiên giao chỉ tiêu Vừa làm vừa học, nhưng không được dùng chỉ tiêu Vừa làm vừa học để liên kết tuyển sinh tại các vùng khác.   

 Giám đốc các đại học, học viện, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ chịu trách nhiệm toàn diện trong tất cả các khâu của công tác tuyển sinh hình thức Vừa làm vừa học: Thông báo tuyển sinh, tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi, xây dựng kế hoạch tuyển sinh, ra đề thi, in sao, bảo quản, sử dụng đề thi; tổ chức kỳ thi; chấm thi và phúc khảo; xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến kỳ thi.

Trước ngày thi 45 ngày, các trường báo cáo Bộ GD-ĐT kế hoạch triển khai đợt thi tuyển sinh, chỉ tiêu và ngành nghề dự kiến tuyển sinh, số môn thi và tên các môn thi, ngày thi, địa điểm thi và địa điểm đặt lớp để bố trí kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng đầy đủ thông tin về đợt thi tuyển sinh. Các thay đổi về kế hoạch tuyển sinh, môn thi tuyển sinh, chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo, ngày thi, địa điểm thi phải báo cáo Bộ GD-ĐT chậm nhất 30 ngày trước ngày tổ chức tuyển sinh và thông báo công khai để thí sinh biết./.