Kể từ khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên là một nhân viên lễ tân ở khách sạn Phú An, đến nay, thành phố Đà Nẵng đã trải qua 15 ngày chống dịch. Nửa tháng căng mình đối phó với nhiều tình huống nguy cấp trong đợt dịch mới, Đà Nẵng đã bình tĩnh, quyết liệt với nhiều cách làm sáng tạo, từng bước kiểm soát dịch bệnh và  không để đứt gãy kinh tế, hạn chế ảnh hưởng sinh hoạt và sinh kế của người dân. Trong đó bài học quan trọng nhất là phát huy vai trò người đứng đầu và huy động cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội chung tay phòng chống dịch.

Tối ngày 7/5, ngay khi tiếp nhận thông tin có 1 trường hợp nghi mắc Covid -19 trú tại tổ 127 phường Hòa Minh, Thường trực Quận ủy Liên Chiểu cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận đã tổ chức họp khẩn với phường Hòa Minh, Ngành Y tế quận và Tổ phòng chống dịch Covid khu dân cư để triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch.

Trung tâm Y tế quận đã xác định 13 F1 liên quan đến ca nghi nhiễm này và lập tức đưa đi cách ly tập trung. Cũng trong đêm đó, nhận định trên đường Lê Hiến Mai cũng thuộc tổ 127 của phường này có 2 trường hợp F1 liên quan đến ca bệnh tại Thẩm mỹ viện AMIDA nên Thường trực Quận ủy Liên Chiểu chỉ đạo mở rộng cách ly mềm toàn bộ khu dân cư. Sau đó, 2 trường hợp F1 này đã dương tính với SARS-CoV-2.

Thực tế cho thấy, nếu không kịp thời mở rộng truy vết thì 2 trường hợp này sẽ lây lan dịch bệnh cho nhiều người trong cộng đồng. Cũng ở quận này, vào khuya 11/5, khi phát hiện ca F0 liên quan đến Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, Thường trực Quận ủy Liên Chiểu đã tổ chức họp xuyên đêm và quyết định tạm dừng tất cả các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và cấp cứu tại Trung tâm này để khử khuẩn, xét nghiệm toàn bộ các bệnh nhân, người nhà và đội ngũ nhân viên y tế tại đây.

Đến đêm 14/5, liên quan đến một người bán bún nghi mắc Covid-19, Lãnh đạo quận Liên Chiểu cũng nhanh chóng chỉ đạo khoanh vùng truy vết, lấy mẫu xét nghiệm hơn 1000 trường hợp liên quan. Việc những người đứng đầu địa phương có mặt tại hiện trường chỉ đạo trực tiếp xử lý tình huống đã tạo điều kiện cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 địa phương thuận lợi trong việc triển khai, huy động các lực lượng chống dịch.

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 quận Liên Chiểu, Tp Đà Nẵng cho biết: "Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của quận được sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Quận ủy chỉ đạo cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống dịch và những tình huống phát sinh hay vấn đề cơ sở vật chất, cần huy động vật lực, nhân lực thì Bí thư đều trực tiếp có mặt tại hiện trường để cho ý kiến chỉ đạo trực tiếp. Đến bây giờ những ổ dịch tại quận chúng tôi tạm thời tạm ổn".

Rất dễ thấy trong 15 ngày chống dịch này, thành phố Đà Nẵng đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch. Tùy vào tình hình cụ thể của dịch bệnh mà Lãnh đạo thành phố nhanh chóng đưa ra những biện pháp khả thi, sát thực tế, hiệu quả cao, không chờ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn.

Ngay trong đêm 11/5, khi ngành y tế thông báo 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là nữ nhân viên Công ty Trường Minh ở Khu Công nghiệp An Đồn, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã đến ngay điểm nóng và hội ý nhanh tại hiện trường, kịp thời chỉ đạo các biện pháp khoanh vùng, khử khuẩn, cách ly y tế, phong tỏa tạm thời Khu công nghiệp An Đồn.

Ngay trong đêm đó, Thường trực Quận ủy Sơn Trà vào cuộc huy động hàng trăm người của cả hệ thống chính trị trên địa bàn quận tham gia lấy mẫu cho 4 khu dân cư trước cổng khu công nghiệp, đưa đi cách ly tập trung toàn bộ các trường hợp F1.

 Làm việc trắng đêm 11/5 và cả ngày 12/5, quận Sơn Trà đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm cho 11.000 trường hợp là công nhân và người dân các khu dân cư lân cận. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, chính quyền địa phương tổ chức cho các chủ doanh nghiệp ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và từng bước dỡ bỏ phong tỏa.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết, chỉ vài ngày sau đó, hầu hết các doanh nghiệp trong các Khu Công nghiệp trở lại hoạt động bình thường, không bị đứt gãy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Đối với Sơn Trà chúng tôi, ngay sau khi có ca nghi mắc Covid-19 thì chúng tôi lập tức tập trung chỉ đạo Trung tâm Y tế, phòng Y tế, các phòng ban, UBND các phường tổ chức truy vết, khoanh vùng truy tìm ngay đối tượng thuộc diện nghi ngờ; Đồng thời phun thuốc lấy mẫu xét nghiệm để xác định. Bên cạnh đó là tập trung công tác tuyên truyền để mọi người dân thấy được và có trách nhiệm tham gia”, ông Hùng cho biết.

Một yếu tố quan trọng giúp Đà Nẵng đứng vững trong 15 ngày bùng phát dịch lần thứ ba này là thành phố đã đẩy nhanh xét nghiệm bằng phương pháp Realtime-PCR phục vụ truy vết nhanh, kết hợp xét nghiệm diện rộng có chủ đích trên các đối tượng, khu vực có nguy cơ lây nhiễm để phát hiện sớm các ca bệnh, cho kết quả sớm với các F1. Từ đó thực hiện các biện pháp khoanh vùng, cách ly y tế phù hợp và hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng đến các hoạt động đời sống xã hội.

Đặc biệt, Đà Nẵng sớm thực hiện phương pháp gộp mẫu 5, mẫu 10 và bước đầu triển khai thành công gộp mẫu kết hợp (gộp 20) để tăng công suất xét nghiệm. Phương pháp này đã tiết kiệm tối đa chi phí nhưng quan trọng hơn là có thể đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm trong điều kiện hạn chế về trang thiết bị, nhân lực, vật lực, phát hiện nhanh các ca bệnh trong cộng đồng.

Khi đợt dịch thứ 2 kết thúc, nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch, Đà Nẵng tiếp tục đầu tư, huy động thêm trang thiết bị xét nghiệm cho các đơn vị. Riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng được trang bị thêm 2 máy tách chiết tự động và đang có kế hoạch trang bị 2 máy Realtime-PCR.

Cả thành phố cũng đã đã có 9 đơn vị được Bộ Y tế, Sở Y tế công nhận đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2. Để đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, gửi mẫu Sở Y tế phân công cho các đơn vị y tế chủ động việc lấy mẫu trên tinh thần sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ của từng đơn vị.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết, trong lúc lấy mẫu xét nghiệm thì có 1 bộ phận chụp ảnh gửi qua mạng cho bộ phận ở nhà, bộ phận hành chính nhập liệu trên máy. Cứ bộ phận lấy mẫu có xong 1 danh sách cơ bản thì chụp hình cơ bản gửi về nhà cho bộ phận nhập liệu, có như vậy mới nhanh được.

"Nếu các địa phương thiếu người nhập liệu thì Sở Y tế sẽ hỗ trợ người từ nguồn sinh viên đã có kinh nghiệm trong các đợt dịch vừa rồi. Với năng lực của Đà Nẵng, và chuẩn bị người kịp thời thì ngành Y tế Đà Nẵng có khả năng mỗi ngày lấy 100 ngàn mẫu với điều kiện là địa phương phải hỗ trợ người", bà Yến nói.

 Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong các khâu của công tác xét nghiệm, áp dụng phương pháp gộp mẫu đã tiết kiệm được chi phí xét nghiệm và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm. Để thực hiện được yêu cầu này đòi hỏi năng lực xét nghiệm phải được tăng cường về mọi mặt, như nhân lực, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm… và áp dụng hiệu quả các phương pháp, kỹ thuật xét nghiệm.

Điều quan trọng hơn chính là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo thành phố, quận huyện đến các chi bộ, tổ dân phố và từng người dân đều đồng lòng, chung tay ngăn chặn dịch bệnh. Và cũng nhờ tập trung xét nghiệm diện rộng, hầu hết nhóm đối tượng đi lại nhiều, tiếp xúc nhiều, nguy cơ cao như tiểu thương, lái xe taxi, grab đều được xét nghiệm Covid-19.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng từng bước xử lý dứt điểm từng ổ dịch, nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh.

"Trước hết, Đà Nẵng thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Riêng Đà Nẵng thì có thêm sáng kiến, thứ nhất là làm mẫu gộp. Thứ hai là sàng lọc cộng đồng, thông qua một số nhóm nguy cơ và hộ gia đình. Thành phố không giãn cách xã hội nhưng các biện pháp thực hiện rất mạnh mẽ rồi", ông Chinh khẳng định./.