Những chứng cứ được làm sáng tỏ tại phiên tòa xét xử những bị cáo từng là người đứng đầu Công ty Cổ phần VN Pharma mới đây đã khiến dư luận sửng sốt trong những ngày qua.

Nhiều người vẫn chưa thỏa mãn với hình phạt cho những kẻ vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, kinh doanh thuốc giả, làm hồ sơ giả. Nhức nhối hơn khi những người nhận 7,5 tỷ đồng “hoa hồng” - theo lời khai của các bị cáo, sẵn sàng trục lợi trên nỗi đau của người bệnh chưa được đưa ra ánh sáng. Hình phạt nào cho những người khoác áo blue trắng nhưng giang “bàn tay đen” nhận “hoa hồng”, bỏ mặc tính mạng bệnh nhân?

lanh_dao_vn_pharma_ytjd_ofuh.jpg
Phiên toà xét xử vụ án tại Công ty cổ phần VN Pharma.
Hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita giả nếu không được phát hiện thì không biết sẽ khiến cho số phận những người bệnh khốn khó đi về đâu, tính mạng họ sẽ ra sao? Câu hỏi đó làm nhức nhối tâm can của hàng triệu người có lương tâm.

Những y, bác sĩ được xã hội xem là người "gác cổng sinh mạng" bệnh nhân thì một số y, bác sỹ lại nhận “hoa hồng” để tiếp tay cho những toa thuốc giả của Công ty VN Pharma vào tủ thuốc bệnh viện. Có thể, các y, bác sĩ không biết đó là thuốc dởm, nhưng chỉ cần việc họ nhận “hoa hồng” để kê đơn đúng loại thuốc của VN Pharma thì chẳng khác gì ăn tiền của người bệnh.

Theo bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Y học TPHCM, việc kê đơn nhận “hoa hồng” vốn từ lâu đã xuất hiện, khiến cho đạo đức nghề y bị hoen ố. Tình trạng này đang diễn biến và lây lan ở nhiều đơn vị y tế và càng ngày càng tinh vi, biến tướng hơn bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp, từ đưa phong bì đến tặng quà có giá trị cao, đi du lịch… Hiện nay ở nhiều nước trên thế giới đã có những luật rất nghiêm để giám sát vấn đề này.

“Ở các nước trên thế giới có một luật gọi là luật cấm “hoa hồng”. Khi phát hiện ra người trong ngành y tế nhận “hoa hồng” thì sẽ không được hành nghề trong ngành y nữa. Chúng ta có nhiều kẽ hở trong phương diện pháp luật để hiện tượng chi “hoa hồng” muôn vẻ sẽ chui vào, sẽ dẫn dắt người bác sĩ” – bác sĩ Phan Thanh Hải chia sẻ.

Rõ ràng việc “áo gấm đi đêm” giữa công ty dược và một số bác sĩ diễn ra nhưng khó có thể có phát hiện để xử lý. Cách đây không lâu, một bác sĩ ở Bệnh viện quận 5, TPHCM kê toa để hưởng “hoa hồng” bị phát hiện đã bị điều chuyển công tác, hạ bậc thi đua. Tuy nhiên, nếu vị bác sĩ này không viết thư yêu cầu công ty dược trả đúng số tiền “hoa hồng” đã kê toa, thì vụ việc cũng sẽ lặng lẽ như nhiều nơi khác.

Theo dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, có nhiều cách thức để kiểm soát tình trạng kê toa để hưởng “hoa hồng” tại bệnh viện. Hàng tháng, bệnh viện tổ chức bình xét và kiểm tra bệnh án, đơn thuốc, phân tích để phát hiện đột biến nào trong sử dụng thuốc để có sự chấn chỉnh. Ông Vĩnh cũng thừa nhận quản lý các bác sĩ làm việc kê đơn tại bệnh viện dễ dàng hơn là kiểm soát những bác sĩ hoạt động ngoài bệnh viện.

Dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh cho biết:  “Trường hợp vi phạm kê đơn thuốc mà nhận “hoa hồng” từ các công ty dược, đó là vi phạm về y đức. Bệnh viện sẽ đưa ra các mức xử lý hết sức mạnh mẽ nếu phát hiện bác sĩ kê đơn nhận “hoa hồng” từ công ty dược. Tùy theo mức độ, ví dụ chuyển công tác từ chỗ vị trí kê đơn thuốc sang vị trí khác, hoặc có mức kỷ luật ở mức độ cao hơn”.

Thực tế hiện nay, không có quy định tội danh nào trong Bộ Luật Hình sự hay Luật Dược về việc chi, nhận “hoa hồng”. Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật Tín Nghĩa, “hoa hồng” hay “thù lao” là chi phí doanh nghiệp trả cho nhân viên bán hàng hoặc đại lý được ký hợp đồng môi giới, kinh doanh, không phải dành cho bác sĩ - người đang thực hiện khám chữa bệnh theo Luật Khám chữa bệnh.

Việc các bác sĩ nhận tiền hoa hồng để chỉ định bệnh nhân dùng thuốc theo mong muốn của doanh nghiệp dược chưa đủ cấu thành tội nhận hối lộ. Việc thu - chi hoa hồng nếu không kê khai thì bị truy thu, xử phạt hành chính... về thuế. Luật pháp Việt Nam chưa đưa ra một sự phân biệt rõ ràng giữa hối lộ và chi phí "hoa hồng".

Luật sư Hồ Nguyên Lễ cho rằng, đạo đức nghề nghiệp của bác sĩ là chỉ định thuốc tốt nhất, hiệu quả nhất nhưng cũng hợp túi tiền của bệnh nhân có đủ khả năng thanh toán hay không. Nếu bất chấp chỉ vì muốn nhận “hoa hồng” cao mà bác sĩ chỉ định thuốc theo yêu cầu của doanh nghiệp dược thì đó là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

"Có bệnh thì vái tứ phương" và người bệnh đặt trọn niềm tin vào người thầy thuốc. Thế nhưng, trong khi hầu bao của những kẻ vô lương tâm ngày một đầy hơn thì số phận của những bệnh nhân nghèo ngày càng mong manh hơn. Tính mạng bệnh nhân đã không còn giá trị bằng số tiền “hoa hồng” vấy bẩn của những bác sĩ vô lương tâm như thế.

Việc xử lý những hành vi này vẫn chủ yếu trông chờ vào "tòa án lương tâm"! Nhưng nếu có lương tâm, họ đã không ăn trên lưng, chà đạp lên tính mạng của những người bệnh vốn nghèo nàn, khốn khó. Đã đến lúc chúng ta cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa, xử lý thích đáng những đối tượng nhận “hoa hồng” kê toa thuốc, nhằm làm trong sạch ngành y, bảo vệ sức khỏe người dân./.