Vừa qua, VOV đã đăng loạt phóng sự điều tra “Vụ cô gái Dao 11 năm bị lừa bán sang Trung Quốc: Vì sao chưa được làm sáng tỏ”, do nhóm PV Cơ quan thường trú Đài TNVN tại khu vực Tây Bắc (VOV Tây Bắc) thực hiện. 

Theo các luật sư, với các chứng cứ trong loạt bài đề cập, vụ việc có dấu hiệu của tội mua bán người. Còn dư luận đều bày tỏ mong muốn vụ việc cần được nhanh chóng làm sáng tỏ.

Tiếp tục phản ánh vụ việc này, Phóng viên VOV đã phỏng vấn bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

hoanh_hanh_copy_zaja.jpg
Bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

PV:Thưa bà, vụ cô gái Dao 11 năm bị lừa bán sang Trung Quốc xảy ra trên địa bàn huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, một địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như VOV đã phản ánh hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ. Là lãnh đạo cơ quan tham mưu cho Chính phủ về các vấn đề liên quan đến vùng đồng bào dân tộc, bà có suy nghĩ như thế nào về vụ việc này?

Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh:Qua VOV phản ánh về vụ cô gái dân tộc Dao 11 năm bị lừa bán sang Trung Quốc, với tư cách là Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, là cán bộ nữ, dân tộc Tày sinh ra và lớn lên ở Tây Bắc, tôi kịch liệt lên án hành động vô nhân tính của nhóm tội phạm buôn người này. Đề nghị các cơ quan chức năng ở địa phương và các vùng có liên quan sớm vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm minh, lấy lại công bằng cho người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, những phụ nữ yếu thế.

PV: Quan điểm của bà trong việc giải quyết vụ việc này như thế nào?

Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh: Chúng tôi hoan nghênh VOV đã có loạt bài phản ánh về vụ việc này. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác Dân tộc và chính sách Dân tộc, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền vận động để người dân nâng cao cảnh giác, không mắc mưu kẻ xấu, đồng thời thực hiện tốt chính sách Dân tộc của Đảng, Nhà nước để người dân có đời sống vật chất tinh thần ngày một tốt hơn. Đẩy mạnh phát triển giáo dục-đào tạo, nâng cao dân trí, nâng cao sức “Đề kháng” của người dân để hiểu biết hơn nữa về pháp luật của Nhà nước và điều kiện để tự mình bảo vệ mình.

PV:
 Cùng với vụ việc cụ thể tại Sìn Hồ, thực tế cho thấy tội phạm buôn bán người tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa trong cả nước hiện vẫn diễn biến phức tạp. Vậy Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ những giải pháp cụ thể gì để ngăn chặn loại tội phạm này có hiệu quả, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh: Chúng tôi đã và tiếp tục đồng hành với VOV, sẽ đeo bám vụ việc này để góp phần bảo vệ quyền lợi của người dân tộc thiểu số, bảo vệ công lý và công bằng cho xã hội. Trong thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ rất nhiều chính sách thực hiện về công tác dân tộc. Trong đó, có cả những việc để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu biết về pháp luật và biết tự bảo vệ mình.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho Chính phủ những giải pháp cụ thể để ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm này tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước hết, vẫn là giải pháp tuyên truyền, bằng các phương pháp cụ thể đến tận cơ sở. Kết nối và chỉ đạo cùng với UBND các tỉnh, Ban dân tộc các tỉnh, các ban, Bộ ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn gần hơn, phù hợp với bản sắc của đồng bào để nói cho người dân nghe, hiểu được những vấn đề trong thực tế, thực trạng ở cơ sở, không nói những vấn đề chung chung. Sau đó, chúng tôi sẽ có những nội dung cụ thể bằng văn bản, làm việc với VOV và các cơ quan tuyên truyền khác ở Trung ương và địa phương để làm tốt phần việc này.

PV:Xin cảm ơn bà!/.