Tính đến hôm nay 3/8/2015, vừa tròn 2 năm xảy ra vụ chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Sau vụ chìm ca nô tại vùng biển huyện Cần Giờ vào ngày 2/8/2013, làm 9 người thiệt mạng, trong đó có cả tài công Phạm Duy Phúc – người điều khiển ca nô bị nạn BP 12-04-02, cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 ông Vũ Văn Đảo (SN 1968, quê Hải Phòng – Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc) và ông Đinh Văn Quyết (SN 1980, quê Nam Định – Giám đốc Công ty Cổ phần Vũng Tàu Maria) về tội Đưa vào sử dụng phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn, theo điều 214, Bộ luật hình sự.

dsc_0004_fpzy.jpg
Ca nô đóng bằng vật liệu công nghệ mới PPC của Công ty Việt Séc được Bộ Khoa học Công nghệ tặng bằng khen và khuyến khích phát triển. Cơ quan điều tra lại cho rằng, việc đưa vào sản xuất vật liệu mới là cơ sở để quy kết hành vi phạm tội.

Ngày 12/9/2014, Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM đưa ra bản kết luận điều tra vụ án, đề nghị truy tố hai ông Đảo và Quyết tội Đưa vào sử dụng phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn.

Ngày 17/10/2014, VKS Nhân dân TP.HCM hoàn tất cáo trạng truy tố hai bị can Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết tội danh theo khoản 3, điều 214, Bộ luật hình sự.

Cáo trạng truy tố hai bị can dựa vào cơ sở: Ca nô BP 12-04-02 sản xuất bằng việc liệu mới Polypropylen Copolymer (PPC) nên không được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp chứng nhận đăng kiểm.

Thực tế ca nô BP 12-04-02 đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân – Bộ Tư lệnh Hải quân chứng nhận đăng kiểm.

Cáo trạng truy tố cũng dựa vào kết luận của Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam về nguyên nhân gây tai nạn như: Ca nô chở quá số lượng người cho phép; hành trình vào vùng có cấp sóng vượt quá giới hạn; người điều khiển ca nô đã điều động ca nô chưa phù hợp với thực tế; người điều khiển ca nô không có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy loại 2 tốc độ cao; ca nô ra, vào cầu bến không được công bố; ca nô không làm thủ tục vào và rời bến theo quy định.

Chưa xét xử, VKS đã lúng túng

Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu, TAND TP HCM đã 2 lần ra quyết định trả hồ sơ đề nghị làm rõ luận điểm truy tố.

Ngày 27/4/2015, tòa đưa ra quyết định trả hồ sơ lần 1, yêu cầu cơ quan thực hành quyền công tố của TP.HCM phải có kết luận giám định đối với ca nô bị nạn BP 12-04-02. Đồng thời, tòa cũng yêu cầu VKS làm rõ, nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn nêu trong cáo trạng không liên quan đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do Đưa vào sử dụng phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn.

Từ chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng - Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam thúc đẩy việc chứng nhận đăng kiểm bằng vật liệu mới PPC. Công ty Việt Séc hoạt động trở lại.

Ngày 26/5/2015, VKS Nhân dân TP HCM có công văn trả lời và cho rằng, việc ca nô không được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp đăng kiểm là không đảm bảo an toàn. Trên cơ sơ đó có thể khẳng định, việc truy tố hai bị can Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết là có cơ sở.

Ngày 17/7/2015, TAND TP.HCM lại có công văn trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần 2 nhấn mạnh lại quyết định trả hồ sơ lần 1 mà chưa được VKS trả lời đúng trọng tâm.

Tòa yêu cầu VKS phải đưa ra kết quả trưng cầu giám định và kết luận giám định đối với ca nô bị nạn BP 12-04-02 để có cơ sở xem xét thời điểm bị nạn, ca nô BP 12-04-02 có đảm bảo an toàn hay không.

Với lý lẽ đưa ra, “Không được Cục Đăng kiểm Việt Nam đăng kiểm là không đảm bảo an toàn” của VKS, tòa yêu cầu cơ quan thực hành quyền công tố phải chứng minh chứng nhận của Phòng Đăng kiểm Hải quân đối với ca nô BP 12-04-02 không có giá trị pháp luật. Đồng thời, cơ sở nào để VKS dựa vào đăng kiểm để có thể truy tố bị can tội Đưa vào sử dụng phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn.

Công văn trả hồ sơ lần 2 tiếp tục “soi” nguyên nhân vụ tai nạn. Tòa tiếp tục khẳng định, nguyên nhân tai nạn theo cáo trạng truy tố chẳng liên quan đến tội Đưa vào sử dụng phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn.

Như vậy, quan điểm luận tội của VKS đã liên tục bị TAND TP.HCM bẻ gãy khi chưa đưa vụ án ra xét xử.

Sự lúng túng trong truy tố của VKS Nhân dân TP.HCM khiến cho vụ án có dấu hiệu oan sai kéo dài một cách không cần thiết. Việc kéo dài vụ án mà không có cơ sở truy tố, không những gây thiệt hại ngân sách nhà nước dành cho việc tố tụng, mà còn gây hoài nghi trong dư luận về sự công minh, chính trực trong điều tra và truy tố vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Doanh nghiệp, người lao động khổ sở vì án oan

Từ khi “dính” vòng lao lý oan sai, ông Vũ Văn Đảo bị tạm giam 9 tháng, gần 10 công ty do ông Đảo tham gia sáng lập, quản lý và điều hành bị trì trệ công việc do không có người cầm cương.

Công văn của VCCI - chi nhánh Vũng Tàu gửi cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM

Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc phải đóng cửa, người lao động mất việc làm, cơ sở vật chất của nhà máy không được phát huy, nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước chưa được giải quyết.

Công ty Việt Séc là tâm huyết và trí tuệ của tập thể cán bộ công nhân viên, các chuyên gia, các nhà khoa học trong việc đi tiên phong ứng dụng công nghệ mới thân thiện, có tính năng ưu việt tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ ngày ông Đảo bị khởi tố. Nghiêm trọng hơn là hàng trăm công nhân bị mất công ăn việc làm trong thời điểm kinh tế khó khăn. Thời điểm ông Đảo bị bắt tạm giam, tập thể người lao động đã viết đơn đề nghị cơ quan điều tra xem xét tránh làm oai sai người vô tội.

Đến tháng 10/2014, ông Đảo được tại ngoại và mới bắt tay khôi phục lại quá trình sản xuất, vận hành của các công ty này.

Tuy nhiên, khi vòng lao lý oan sai chưa được gỡ bỏ, việc vực dậy sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn.

Mới đây, ngày 29/7/2015, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Vũng Tàu cũng đã có công văn đề nghị cho phép xuất nhập cảnh đối với ông Vũ Văn Đảo.

Công văn cho biết, ông Đảo là một doanh nhân tâm huyết, có năng lực trình độ và hết lòng vì người lao động. Bản thân ông có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp, tạo nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp nguồn thu lớn vào ngân sách Nhà nước.

Các doanh nghiệp do ông Đảo sáng lập không ngừng phát triển trong thời gian qua. Ông Đảo còn đi tiên phong trong việc đưa công nghệ vật liệu mới vào sản xuất tàu thuyền.

Các chuyên gia pháp luật, các nhà nghiên cứu luật cùng các luật sư đã có ý kiến gửi đến Cơ quan CSĐT và VKS Nhân dân TP.HCM chỉ rõ vi phạm tố tụng và việc khởi tố ông Đảo là không có căn cứ pháp lý, có dấu hiệu oan sai.

Đồng thời các doanh nghiệp, người lao động, chi bộ Đảng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến những người có thẩm quyền của VKS Nhân dân TP.HCM với mong muốn kịp thời dừng lại những việc làm sai trái để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động.

VCCI chi nhánh Vũng Tàu đề nghị Công an TP.HCM tạo điều kiện và cho phép ông Đảo được phép xuất cảnh để thực hiện việc đàm phán, ký kết các hợp đồng với đối tác nước ngoài theo yêu cầu của các đối tác, nhằm vực dậy các doanh nghiệp mà ông Đảo đang quản lý điều hành trực tiếp và gián tiếp.

Hiện ông Đảo đang bị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh kéo dài từ ngày 4/9/2013 đến ngày 4/9/2016./.

Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM căn cứ vào việc ca nô BP 12-04-02 không được Cục Đăng kiểm Việt Nam chứng nhận đăng kiểm để truy tố ông Đảo thì mới đây, Cục Đăng kiểm đã có Công văn gửi cơ quan tố tụng TP.HCM liên quan đến những vấn đề của vụ án.
Thứ nhất, hiện nay pháp luật không cấm việc đóng tàu thuyền bằng vật liệu mới nói chung và vật liệu PPC nói riêng mà còn được nhà nước khuyến khích đầu tư. Cục Đăng kiểm Việt Nam ủng hộ ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới để sản xuất tàu thuyền.
Thứ hai, phương tiện BP 12-04-02 do Công ty Cổ phần Việt Séc sản xuất và đơn vị sử dụng là cơ quan cửa khẩu Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu, việc đăng kiểm này thuộc quy định của Bộ Quốc phòng.
Thực tế phương tiện này đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân thực hiện đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận để đưa vào sử dụng. Cục Đăng kiểm Việt Nam không có thẩm quyền làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Vụ án chìm ca nô huyện Cần Giờ, TP HCM:

Bài 1: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ, TP HCM: Bị can kêu oan

Bài 2: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Phạm tội vì sản xuất bằng vật liệu… quá mới!?

Bài 3: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: “Quên” vật chứng vụ án, sẽ có oan sai

Bài 4: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Gửi thư kêu oan lên Chủ tịch nước

Bài 5: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ (TP.HCM) do lỗi đăng kiểm?

Bài 6: VCCI đề nghị xem xét cẩn trọng vụ chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP HCM

Bài 7: Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ, TP HCM: Trả hồ sơ, điều tra bổ sung

Bài 8: Vì sao tòa án TP HCM trả hồ sơ vụ chìm ca nô ở huyện Cần Giờ?

Bài 9: Vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ, TP HCM: Truy tố gượng ép?

Bài 10: Khi Bộ trưởng Đinh La Thăng đã hứa trước Quốc hội!

Bài 11: Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) bị tố thiếu trách nhiệm, gây hại cho doanh nghiệp

Bài 12: Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội

Bài 13: Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu sớm cấp đăng kiểm cho vật liệu PPC

Bài 14: Cục Đăng kiểm nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởngĐinh La Thăng

Bài 15: Chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã được thực hiện

Bài 16: Vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ: Tình tiết mới “bẻ gẫy” luận điểm truy tố

Bài 17: Tòa án TPHCM lần thứ 2 trả hồ sơ vụ chìm ca nô ở Cần Giờ