Để được thanh toán quyền lợi 3 gói bảo hiểm nhân thọ đã mua, người phụ nữ 30 tuổi ở Phúc Thọ, Hà Nội đã thuê người chặt bàn tay, bàn chân mình, dựng hiện trường giả một vụ tai nạn đường sắt. Vụ việc chấn động này vừa được Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội điều tra khám phá.

hien_truong_tai_nan_mris_xufo.jpg
Hiện trường "vụ tai nạn giao thông đường sắt" trong đêm (Ảnh: ANTĐ)

Nội dung sự việc được xác định, đêm 5/5, cảnh sát được tin báo từ một thanh niên về vụ tai nạn tại đường sắt qua khu Hà Đông - Phú Diễn, địa phận quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Nạn nhân là phụ nữ 30 tuổi bị đứt rời 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái.

Nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 19/8 và đã được bác sĩ nối liền các phần bị đứt. Bốn ngày sau, nạn nhân xin chuyển đến Bệnh viện Việt Đức và bác sĩ tại đây buộc phải tháo bỏ phần thi thể đứt rời do vết thương bị hoại tử...

Làm việc với công an, người này khai tên là N, do buồn chuyện gia đình nên đi lang thang và bị tàu hút vào. Lúc bị tàu nghiến tay, chân, có thanh niên đi qua, chị N đã kêu cứu và may mắn thoát chết.

Tuy nhiên, quá trình điều tra, cảnh sát xác định chị N và thanh niên báo tin quen biết nhau từ trước. Sau hơn 3 tháng, cảnh sát làm rõ, vụ tai nạn trên không có thật.

Theo trình bày của chị N., chị ta mua ba gói bảo hiểm nhân thọ. Do khó khăn về kinh tế, N nghĩ ra chiêu tự hại thân thể mình để được thanh toán bảo hiểm.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình- Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng, đây là việc làm thiển cận và thiếu suy nghĩ. Dù có bất cứ lý do hay hoàn cảnh khó khăn như thế nào cũng không thể chấp nhận được dưới góc độ con người và pháp luật.

“Vụ việc là biểu hiện đỉnh điểm của lòng tham, của lối sống thực dụng, coi tiền bạc cao hơn mọi thứ. Xét đến cùng đây là hành vi lừa dối trắng trợn nhưng phải gánh chịu hậu quả lớn nhất khi sức khỏe của bản thân đã bị chính chị làm hủy hoại. Lòng tham vốn khó có điểm dừng. Lòng tham, xét đến cùng, là bản năng sẵn có và luôn tồn tại trong mỗi con người chúng ta. Chỉ có điều, nên tham cái gì và cái gì không được tham thì điều đó lại phụ thuộc vào giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội. Song, ở một khía cạnh khác, chúng ta cũng không hoàn toàn đổ lỗi cho hoàn cảnh, bởi thực tế trong rất nhiều trường hợp, cùng một điều kiện như nhau nhưng con người có những cách hành xử khác nhau, tính cách cũng không thể giống nhau được”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ.

Cần xử lý nghiêm để răn đe

Dưới góc độ tâm lý tội phạm học, đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm và Điều tra tội phạm (Viện Khoa học Cảnh sát - Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng, trên thế giới đã xảy ra nhiều vụ việc tạo hiện tượng giả để hưởng chế độ bảo hiểm. Tuy nhiên, tình trạng đóng bảo hiểm nhân thọ rồi tạo ra tai nạn để hưởng chế độ thì lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam, gây kinh động đến nhiều người trong xã hội.

Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, thị trường bảo hiểm ngày càng phát triển khi các loại hình bảo hiểm đa dạng và bảo hiểm toàn dân trở nên phổ biến thì hiện tượng này cũng là điều cảnh báo sẽ xuất hiện loại tội phạm mới, tạo ra thương tích, tai nạn giả hay tình huống, hồ sơ giả… nhằm trục lợi tiền bảo hiểm trái pháp luật.

“Rất may vụ việc đã được phát hiện sớm và kịp thời xử lý. Vụ việc được phanh phui là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai có lòng tham lớn hơn sự quý trọng sức khỏe, tính mạng của bản thân mình. Hành động như vậy hoàn toàn có thể mất mạng hoặc ít nhất cũng mang thương tật suốt đời.

Vụ việc xảy ra cho thấy những người này đã dại dột, thiếu biểu biết. Thực ra, với việc tạo tai nạn giả với mức rất nghiêm trọng như vậy sớm hay muộn sự thật cũng sẽ được làm sáng tỏ. Cũng chỉ vì tham lam và kém hiểu biết về pháp luật cũng như kiến thức xã hội mà người phụ nữ này đã tạo ra cú sốc cho bản thân và xã hội. Đây là hiện tượng mới, cần chú ý phòng ngừa, ngăn chặn”, đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho biết.

Ông Đỗ Cảnh Thìn nhận định, xét trên khía cạnh pháp lý, vì vụ việc chưa gây thiệt hại cho phía cơ quan bảo hiểm nên việc xử lý hình sự đối với chị N. cần được xem xét kỹ. Tuy nhiên, chị N. có thể bị phạt hành chính để cảnh cáo. Còn đối với anh D - người được chị N. thuê chặt tay, chân có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự.

“Mặc dù chị N. thuê anh D. chặt tay, chân mình, nhưng theo pháp luật đây là hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác rất nghiêm trọng. Anh D. làm việc này vì động cơ vụ lợi, nhận tiền để gây thương tích cho người khác. Nạn nhân có thể thiếu hiểu biết, nhưng luật pháp không cho phép anh được cố ý gây thương tích cho người khác một cách trái pháp luật", đại tá Thìn nhấn mạnh.

Cũng theo đại tá Đỗ Cảnh Thìn, đây là hành vi dã man, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với động cơ vụ lợi, tạo hiện trường giả nhằm mục đích lừa cơ quan pháp luật và cơ quan bảo hiểm. Hành vi này cần phải xử lý nghiêm để răn đe. Cơ quan điều tra cần khởi tố vụ án hình sự để làm rõ mọi vấn đề có liên quan, trên cơ sở đó mới có căn cứ để đưa ra các quyết định pháp lý chính xác./.