Phút đấu trí với tên trùm ma túy ngoại quốc
12 năm công tác trong ngành, với thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Nhạn (Phòng hướng dẫn và điều tra tội phạm về ma túy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an) có thể nói chặng đường không dài và cũng không phải ngắn. Từng đó năm tháng đấu tranh với tội phạm ma túy giúp chị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực theo đuổi.
Vốn là phiên dịch tiếng Trung Quốc, nhưng nghề nghiệp hiện tại như một mối duyên đến với chị. Năm 2003, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Trung, nghe nói Công an tỉnh Tuyên Quang tuyển cán bộ ngành ngoài, thế là chị nộp hồ sơ, rồi trúng tuyển trong niềm vui bất ngờ.
Năm 2008, chị có nguyện vọng chuyển sang khối cảnh sát. Cùng năm, chị về công tác tại Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Thời gian này, cục mở một chuyên án đấu tranh, triệt phá đường dây ma túy đặc biệt lớn do nhóm đối tượng người Trung Quốc cầm đầu.
Kinh nghiệm ít, tuổi nghề còn non trẻ, nên thời điểm đó, nữ điều tra viên gặp không ít khó khăn. Chị được lãnh đạo giao nhiệm vụ, vừa làm phiên dịch, vừa khai thác lời khai của nhóm đối tượng trong đường dây 8 tấn nhựa cần sa.
Nữ điều tra viên khai thác đối tượng tội phạm trong đường dây sản xuất ma túy đá do nhóm người quốc tịch Trung Quốc thực hiện (ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Thiếu tá Nhạn chia sẻ, những năm công tác tại Công an tỉnh Tuyên Quang luôn phải gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ đã giúp chị có được độ “lì”, bình tĩnh. “Tôi không bao giờ hỏi ngay hành vi phạm tội của các đối tượng như thế nào” - thiếu tá Nhạn nói. Đầu tiên, chị luôn hỏi thăm sức khỏe, gia đình, mối quan tâm của họ... nhằm tạo sự gần gũi.
Trở lại câu chuyện đấu tranh với các bị can đường dây mua bán 8 tấn nhựa cần sa, chị cho biết được giao lấy lời khai của ông trùm người Trung Quốc - tên Lữ Minh Trình. Trong suốt 3 tháng đầu từ khi bị bắt, Trình thực hiện chiến lược 3 không “Không biết - không khai - không nhận tội”.
Có những lúc, chị tưởng như nản chí với gã tội phạm có kinh nghiệm sống, đủ lọc lõi để chối bỏ, chống chế với lực lượng điều tra. Mặc dù chứng cứ có, tài liệu trinh sát có, song để hoàn thiện hồ sơ, cần phải có lời khai của bị can. Song tên trùm ma túy không làm chị lùi bước bởi ý thức trách nhiệm công việc được giao, chị phải tìm ra những chỗ ẩn đằng sau tội phạm.
Sau nhiều lần nói chuyện, chị tình cờ phát hiện ra Trình rất thích ăn ớt, song trong các bữa cơm đều thiếu, bởi gã không nói ra cho cán bộ trại tạm giam biết. Ngay tức thì, chị trao đổi với cán bộ tạo điều kiện để mỗi bữa ăn của Trình có ớt. Sau lần đó, Trình dần mở lòng với nữ điều tra viên nhỏ nhắn, kiên trì.
Tuy nhiên, Trình vẫn giữ thái độ hằn học, tâm lý khó chịu mỗi lần điều tra viên Nhạn tới trại tạm giam tiếp xúc. Với cách ân cần, chị một lần nữa được Trình chia sẻ bản thân anh ta bị trướng bụng, đi vệ sinh không được. Đó cũng là nguyên nhân của tâm trạng hằn học Trình thể hiện với nữ điều tra viên.
Chị đã mời bác sĩ trại vào khám, cho bị can Trình uống thuốc. Sau đó, anh ta đi vệ sinh được, vậy nên mọi bực dọc như trút khỏi người. Trình trở nên phấn khởi, dần cởi mở với chị. Trình chia sẻ với nữ điều tra viên những câu chuyện về văn hóa Trung Quốc... và chơi cờ tướng. Cũng khá may mắn, kinh nghiệm một năm học ở Bắc Kinh (Trung Quốc) giúp chị có nền kiến thức về văn hóa Trung Quốc nên chia sẻ được với bị can.
Đặc biệt, trong câu chuyện với nữ điều tra viên, khi nói đến văn hóa ăn ớt, Trình khá hồ hởi. Anh ta nói đủ thứ xung quanh quả ớt. “Chỉ trong vòng một tuần, Trình xin tờ giấy và tự khai nhận hành vi. Sau khi Trình khai, bốn đồng phạm cũng tự khai” - thiếu tá Nhạn kể.
Cám dỗ, hiểm nguy và tình người
Công việc của một điều tra viên như thiếu tá Nhạn bao gồm khám xét các đối tượng, bắt, lập biên bản và hỏi cung. Thiếu tá Nhạn chia sẻ, mỗi một lĩnh vực trong ngành đều có những khó khăn, vất vả riêng. Đối với phụ nữ, công việc càng khó khăn hơn đồng nghiệp nam. Tuy nhiên, phụ nữ cũng có những mặt thuận lợi riêng trong nghề.
Chị cho hay, trinh sát nội tuyến luôn phải đối mặt với hiểm nguy như có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Bởi tội phạm ma túy thường khá manh động, luôn thủ sẵn trong người hung khí, súng đạn. Nhưng ở khía cạnh điều tra viên, khi bắt khám xét, không ai biết được đối tượng có bệnh tật như thế nào. Nhiều năm công tác, chị biết, có những đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy bị căn bệnh HIV, hoặc bệnh truyền nhiễm khác.
Trong lúc khám xét, mặc dù đối tượng bị khống chế, song chỉ phút lơ là, chúng có thể chống đối quyết liệt, điều này theo chị cũng từng xảy ra. “Có những buổi khám xét từ chiều đến tờ mờ sáng hôm sau. Địa bàn bắt giữ, khám xét nhiều lúc ở vùng sâu, vùng xa. Khi về nhà đã tối mịt” - chị tâm sự. Cũng may mắn, thuận lợi khi chồng của chị làm cùng ngành nên hiểu và chia sẻ với vợ.
Không chỉ có thể gặp những tai nạn bất ngờ trong nghề, đôi khi công việc của nữ điều tra viên còn phải đối diện với cám dỗ từ chính đối tượng phạm tội tạo ra. Chỉ đôi chút không làm chủ được mình, bất kỳ ai cũng có thể bị sa ngã và bị chính tội phạm mua chuộc. Trên con đường làm nghề, thiếu tá Nhạn cho hay, bản thân từng gặp phải đối tượng bị can “làm giá” với mình.
Chị kể, năm 2015, cục làm chủ công trong chuyên án triệt phá đường dây ma túy liên tỉnh từ Hòa Bình về Hà Nội, đi Cao Bằng, Thái Nguyên. Đường dây này với hàng chục đối tượng tham gia. Sau nhiều tháng đấu tranh, lực lượng chức năng đã triệt phá, bắt giữ, khởi tố 25 bị can về các tội Mua bán trái phép chất ma túy, Tàng trữ vũ khí quân dụng và Không tố giác tội phạm. Đường dây này do Trần Đức Duy cầm đầu, buôn bán hàng trăm bánh heroin.
Tham gia vào chuyên án, chị được lãnh đạo cục phân công lấy lời khai bị can. “Bị can thấy điều tra viên nữ nên tìm mọi cách để qua mặt, thừa nhận nhỏ giọt” - thiếu tá Nhạn nhớ lại. Trong quá trình lấy lời khai, chị còn gặp trường hợp bị can đặt thẳng vấn đề “bớt 100 bánh heroin thì sẽ hậu tạ xứng đáng”.
Nói đến trường hợp bị can này, chị cười, cho rằng, anh ta nghĩ đơn giản, bớt từng đó số lượng bánh heroin thì sẽ có cơ hội sống. Cám dỗ đó tội phạm đưa ra, là có. Song với tính cách cương quyết, chị đã nói thẳng với bị can rằng: “Anh nghĩ tôi là ai mà có thể dễ dàng mua chuộc, qua mặt được? Nhắc với anh, chúng tôi là người thực thi pháp luật”. Nghe xong, bị can trả lời: “Không nghĩ là khó lay chuyển đến như vậy”.
Theo chị, đó chỉ là một tình huống mỗi điều tra viên có thể gặp phải trong quá trình làm việc. Tội phạm ma túy, ngoài tính nguy hiểm, xảo quyệt còn luôn tìm cách mua chuộc người khác. Điều đó càng thể hiện, việc đấu tranh với tội phạm ma túy trên cả mặt trận triệt phá và cả công tác điều tra luôn có những khó khăn, hiểm nguy.
Góp nhặt câu chuyện từ các chuyên án lớn nhỏ mà trong suốt hơn 10 năm làm nghề, nữ thiếu tá nhớ rất rõ câu chuyện chị tham gia bắt giữ một nữ bị can, tuổi còn rất trẻ, đang nuôi con nhỏ chưa cai sữa mẹ. Năm đó, 2018, chị tham gia bắt đối tượng nữ này ở tỉnh Cao Bằng.
Gương mặt ngơ ngác, còn trẻ khiến thiếu tá Nhạn không khỏi chua xót. Theo chị, chính vì trẻ người non dạ mà đối tượng bị dẫn dắt vào đường dây ma túy liên tỉnh. Khi bị bắt giữ, con nhỏ mới sinh được vài tháng phải để lại cho chồng chăm nom, còn đối tượng bị di lý về trụ sở cục.
Suốt chặng đường dài, hơn 10 tiếng đồng hồ ngồi xe ôtô, thiếu phụ này khóc rất nhiều, hối lỗi về hành vi phạm tội. Chị phải động viên liên tục để đối tượng bình tĩnh. Một tình cảnh trớ trêu mà trên đường di lý đối tượng về trụ sở, theo thiếu tá, cô gái này sữa về, căng tức ngực nên không có cách nào đành nhờ chị vắt sữa giúp.
“Cảm giác của một người mẹ, một phụ nữ khiến tôi rớt nước mắt, khi vắt sữa xong rồi đổ đi” - thiếu tá Nhạn chia sẻ. Ngay cả khi đưa về trụ sở, đối tượng tiếp tục căng sữa, nên suốt thời gian nhiều tiếng, vừa làm công tác điều tra lấy lời khai, chị vừa vắt sữa giúp thiếu phụ trẻ này. Sau nhiều lần động viên, trấn an, đối tượng đã thành khẩn, khai nhận là một mắt xích tham gia đường dây mua bán ma túy liên tỉnh, giúp cơ quan điều tra làm rõ, mở rộng vụ án.
Vụ án đã khép lại quá trình điều tra, song hình ảnh thiếu phụ trẻ phạm tội mua bán ma túy đó với những tình huống trớ trêu đến giờ vẫn còn ám ảnh đối với chị./.