Trong kết luận điều tra bổ sung của cơ quan điều tra Bộ Công an đối với vụ đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), một số bị can đã bị khởi tố, đề nghị truy tố trong đó có Hoàng Thị Hồng Tứ (SN 1983, quê Ninh Bình).

Hồng Tứ vốn tốt nghiệp Đại học sân khấu điện ảnh, không có chuyên môn về tài chính ngân hàng, được Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank tiếp nhận làm công việc chính tại Văn phòng HĐQT Oceanbank.

hoang_thi_hong_tu_skof.jpg
Bị can Hoàng Thị Hồng Tứ tại phiên tòa sơ thẩm tháng 3/2017.

Từ tháng 12/2008 đến tháng 5/2014, bị can Tứ được Thắm nhờ đứng tên làm Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của Công ty BSC – công ty sân sau của Hà Văn Thắm. Thực tế Hồng Tứ không góp vốn, không tham gia quản lý, điều hành hoạt động tại Công ty BSC.

Công ty BSC được Hà Văn Thắm thành lập từ năm 2008. Trong thỏa thuận chi tiền chăm sóc khách hàng giữa Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn (cựu TGĐ Oceanbank, cựu Chủ tịch HĐTV PVN), bị can Thắm đã sử dụng Công ty BSC thực hiện việc ký các hợp đồng làm dịch vụ đối với khách hàng vay vốn tại Oceanbank.

Thời điểm đó, tỉ giá giao dịch ngoại tệ ngoài thị trường cao hơn tỉ giá do NHNN quy định, lãnh đạo của Oceanbank đã chỉ đạo trên toàn hệ thống việc thu thêm tiền chênh lệch ngoài tỉ giá trong hợp đồng bán ngoại tệ cho khách hàng bằng cách yêu cầu ký các hợp đồng dịch vụ với Công ty BSC.

Theo đó, khi khách có nhu cầu vay vốn hoặc mua ngoại tệ, cán bộ tín dụng các khối kinh doanh và các chi nhánh sẽ đàm phán, thỏa thuận với khách hàng về lãi suất thực tế cho vay hoặc tỉ giá thực tế giao dịch (cao hơn tỉ giá quy định của NHNN).

Khi khách hàng đồng ý thì cán bộ tín dụng lập hợp đồng tín dụng, hợp đồng mua bán ngoại tệ với lãi suất đúng bằng giá niêm yết. Phần chênh lệch của khách hàng được hợp thức bằng hợp đồng dịch vụ ký với Công ty BSC.

Ngoài ra, tại Công ty BSC còn thực hiện các hợp đồng vay tiền cho các khách hàng không có tài sản đảm bảo, giấy tờ pháp lý không đầy đủ, không có phương án kinh doanh… nhưng có nhu cầu vay vốn vượt trần lãi suất quy định…. Tiền chênh lệch này, cựu chủ tịch ngân hàng sử dụng vào việc chăm sóc khách hàng.

Trong vai trò, vị trí Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của công ty, thực hiện theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm, Hoàng Thị Hồng Tứ ký quyết định bổ nhiệm Phạm Hoàng Giang làm TGĐ Công ty BSC để điều hành các hoạt động của công ty.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của cựu Chủ tịch Oceanbank và hướng dẫn của Phạm Hoàng Giang, bị can Tứ đại diện Công ty BSC ký 97 hợp đồng dịch vụ để thu phí của khách hàng có nhu cầu vay vốn và mua ngoại tệ tại Oceanbank tổng số tiền hơn 13,4 tỷ đồng, trong 97 trường hợp này có 48 hợp đồng, tổng số tiền hơn 8,7 tỷ đồng có chữ ký nháy của Giang.

Tổng số tiền hơn 13,4 tỷ đồng, trên các hợp đồng dịch vụ Tứ ký đã bị bị can Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt, gây thiệt hại cho khách hàng và Oceanbank.

Tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 3/2017, được triệu tập với tư cách người liên quan, Hoàng Thị Hồng Tứ cho biết, đã 3 lần đưa tiền cho Nguyễn Xuân Sơn.

Theo lời khai của bị can tại phiên tòa trước đó, bà ta trình bày từ ngày 29/9/2009 đến ngày 3/8/2010, Công ty BSC đã 3 lần chi tiền cho Hoàng Thị Hồng Tứ với tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng để đưa cho Nguyễn Xuân Sơn khi đó đã trở về PVN giữ vị trí Phó TGĐ.

Bị can cũng cho hay, mỗi lần đưa tiền đều yêu cầu Nguyễn Xuân Sơn ký nhận trên chứng từ chi của Công ty BSC nhưng Sơn không ký mà nhờ Tứ ký hộ vào mục “người nhận”.

Lời khai này tại phiên tòa, cựu Chủ tịch PVN phủ nhận và cho rằng không nhớ, và không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ Hoàng Thị Hồng Tứ.

Cũng tại phiên tòa, bị can Tứ khai, trong quá trình ký kết hợp đồng, Tứ không biết gì. Tứ không biết những hoạt động của BSC. Hà Văn Thắm nhờ Tứ đứng ra điều hành công ty nhưng Phạm Hoàng Giang làm mọi thứ rồi đưa lên để bà ta ký. “Tiền đi đâu, làm gì tôi không biết", bị can Tứ từng trả lời tại phiên tòa trước đó.

Không được hưởng lợi, không biết bản chất của các hợp đồng mà mình đặt bút ký, quá trình điều tra thành khẩn khai báo tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, gia đình có hoàn cảnh nên tại kết luận điều tra trước đó, cơ quan điều tra Bộ Công an đã đề nghị không xem xét trách nhiệm hình sự đối với cựu Chủ tịch HĐQT Công ty BSC Hoàng Thị Hồng Tứ.

Tuy nhiên, sau khi tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, cơ quan điều tra xác định hành vi của Hoàng Thị Hồng Tứ đã phạm vào tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức cho Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn. Kết luận điều tra cũng đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can Hoàng Thị Hồng Tứ./.

Theo nội dung vụ án, trong quá trình làm Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm là thuộc cấp tại ngân hàng có nhiều vi phạm trong hoạt động tín dụng gây thiệt hại cho ngân hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, các vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và thuộc cấp góp phần gây thiệt hại của ngân hàng gần 2.000 tỷ đồng. Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm là chủ mưu, cầm đầu.

Ngoài Hà Văn Thắm bị truy tố, hàng chục còn lại chủ yếu là lãnh đạo tại hội sở ngân hàng và lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank trên toàn hệ thống, lãnh đạo Công ty BSC bị cũng dính hệ lụy từ việc làm sai trái của sếp.

Trong các bị can còn có Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) – cựu TGĐ Oceanbank - cựu Chủ tịch HĐTV PVN– là đại diện góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại ngân hàng.

Cơ quan điều tra đề nghị truy tố các bị can tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.