Sáng 14/8, Toà án nhân dân TPHCM quyết định hoãn phiên xét xử sơ thẩm vụ án mua bán logo “xe vua” lần 2 đối với 10 bị cáo trong đường dây bảo kê xe quá tải.

Trong vụ việc này, có 9 bị cáo bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, bị cáo Nguyễn Cảnh Chân, nguyên cán bộ Đội 1, Phòng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ”. Trong số này, không có bị cáo nào bị truy tố tội “Nhận hối lộ”.

vov_tphcm_dkib.jpg
Quang cảnh bên ngoài Toà án nhân dân TPHCM sáng 14/8.
Tại phiên toà sáng nay, do luật sư của 7 bị cáo vắng mặt, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên xét xử để đảm bảo khách quan, công bằng cho các bị cáo.

Trước đó, tháng 4/2018, vụ án đựợc đưa ra xét xử. Tuy nhiên, trong quá trình xét hỏi, Hội đồng xét xử Toà án nhân dân TPHCM quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung do nhận thấy còn nhiều vấn đề chưa rõ.

Theo cáo trạng, từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015, bị cáo Nguyễn Văn Thới, Lê Thị Cẩm Vân và các đồng phạm đã câu kết với một số lái xe, chủ xe hay lưu thông trên những tuyến đường ở Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM để gom tiền hối lộ cho cán bộ Thanh tra Giao thông (TTGT), Cảnh sát giao thông (CSGT) nhằm “bảo kê” cho xe quá tải..                 

Đường dây mua bán logo “xe vua” do Thới cầm đầu đã bán cho 15.000 lượt xe, thu lợi bất chính gần 23 tỷ đồng. Số tiền trên được Thới cùng đồng bọn dùng một phần đưa hối lộ cho CSGT, nộp phạt cho các chủ xe đã mua logo mà vẫn bị phạt, còn lại dùng vào việc cá nhân.

Tại cơ quan điều tra, Lê Thị Cẩm Vân, Nguyễn Văn Thới và Trần Quốc Thái khai nhận đã đưa hối lộ cho 62 cán bộ của đội, trạm trong lực lượng CSGT và 18 TTGT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và TPHCM.

Trong số cán bộ bị tố nhận tiền bảo kê “xe vua”, chỉ có duy nhất bị cáo Nguyễn Cảnh Chân thừa nhận có nhận tiền, còn lại đều phủ nhận./.