Trong 2 ngày 19, 20/4, Tòa án Nhân dân TPHCM đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “đưa hối lộ”, “môi giới hối lộ” liên quan đường dây mua bán logo xe “vua” giá trị lên tới trên 20 tỷ đồng trên địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương từ năm 2014-2015.

canh_sat_bat_bang_nhom_ban_logo_bao_ke_xe_vi_pham_nbnq.jpg
Các loại logo bảo kê xe vi phạm
Điểm đáng chú ý trong vụ án này, có tới 80 cảnh sát giao thông (CSGT) và cán bộ thanh tra giao thông (TTGT) ở Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM bị tố cáo nhận tiền bảo kê nhưng họ không thừa nhận nên chỉ có 1 bị cáo nguyên là cán bộ CSGT tỉnh Đồng Nai bị đưa ra xét xử tội “môi giới hối lộ”. Cho rằng, ngoài lời khai của các bị cáo đưa hối lộ, không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh 79 CSGT, TTGT còn lại có hành vi nhận hối lộ hoặc làm môi giới hối lộ nên cơ quan điều tra không khởi tố những người này. Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, chủ tọa phiên tòa cũng không triệu tập 79 CSGT, TTGT liên quan.

Có quan điểm băn khoăn liệu rằng việc không triệu tập mấy chục cán bộ CSGT, TTGT đến tòa để đối chất liệu có khách quan hay không? Đường dây mua bán logo xe “vua” giúp các bị cáo cầm đầu thu lợi bất chính gần 23 tỷ đồng không lẽ chỉ nhờ vào sự giúp sức của 1 cán bộ CSGT? Việc cơ quan điều tra cho rằng không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với 79 CSGT, TTGT, vậy bản chất thực sự của vụ án đã được làm rõ hay chưa?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên, Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc tòa án không triệu tập 79 CSGT, TTGT mà cơ quan điều tra cho rằng không đủ căn cứ để xử lý hình sự họ là quyền của tòa án. Tuy nhiên, các luật sư và bị cáo khi ra tòa có quyền yêu cầu tòa triệu tập họ đến tòa.

Cụ thể hơn, dẫn khoản 2, tiết g, Điều 45 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định "thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền triệu tập bất cứ ai mà Tòa án muốn xét hỏi để làm rõ nội dung vụ án. Còn nếu thấy không cần xét hỏi, thẩm phán chủ tọa không cần phải triệu tập", luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho rằng việc cần thiết triệu tập hay không phụ thuộc vào quan điểm đánh giá của thẩm phán chủ tọa phiên tòa, trừ một số người tham gia tố tụng bắt buộc phải có mặt như bị cáo, người bào chữa, bị hại... Trong một số trường hợp, bị cáo, người bào chữa, bị hại hoặc thậm chí người làm chứng, người giám định... vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập họ đến.

Cùng với đó, Điều 296 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định: "Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án".

“Như vậy, trong vụ án này, Tòa án không triệu tập 79 CSGT, TTGT đến làm việc vì cho rằng không cần thiết là đúng quy định của pháp luật”, luật sư Thanh khẳng định.

Luật sư Thanh cũng cho biết, pháp luật hình sự không cho phép các cơ quan pháp luật cáo buộc ai đó phạm tội khi chỉ dựa trên "niềm tin nội tâm" là người đó phạm tội. Thậm chí, Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội, rằng "khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội".

Điều này có nghĩa là dù Cơ quan điều tra đã làm rõ đường dây bán logo xe vua thu lợi gần 23 tỷ đồng nhưng chỉ có một CSGT bị buộc tội, nhiều người nghe có vẻ vô lý và cho rằng sẽ có nhiều hơn một CSGT vi phạm pháp luật, nhưng nếu không có chứng cứ chứng minh rõ ràng về sự dính líu của những CSGT, TTGT khác vào vụ án này, Cơ quan điều tra cũng không thể cáo buộc họ.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung khi có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi tội phạm liên quan đến vụ án, hoặc thậm chí Hội đồng xét xử còn có quyền tự mình ra quyết định khởi tố vụ án khi phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm./.