Ngày 12/11, TAND tỉnh Phú Thọ đã xét xử vụ án "Tổ chức đánh bạc; đánh bạc; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền; sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm dụng tài sản" xảy ra tại Phú Thọ và các tỉnh thành khác đối với 92 bị cáo.

Tại phần công bố quyền và nghĩa vụ các bị cáo tại phiên tòa, bị cáo Phan Văn Vĩnh, cựu Trung tướng - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát đã đề nghị HĐXX không công bố bản án đối với mình lên cổng thông tin điện tử của tòa án. Chủ tọa phiên tòa đã chấp nhận đề nghị này và cho biết: "Chỉ cần 1 người trong vụ án không đồng ý thì sắp tới bản án vụ này sẽ không được công bố công khai lên mạng". Quan điểm này của HĐXX đã tạo ra ý kiến tranh luận trong những người làm nghề liên quan đến luật.

Không có căn cứ và trái thẩm quyền - Ảnh 1.

Cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh bị dẫn giải đến tòa

Luật sư (LS) Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật: Không đúng quy định của pháp luật 

Việc yêu cầu không công bố bản án của bị cáo Phan Văn Vĩnh là không có cơ sở chấp nhận. Việc giải thích của thẩm phán chủ tọa phiên tòa sau khi đồng ý việc không công bố bản án là không đúng quy định pháp luật.

Hiện tại việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của tòa án được quy định cụ thể bằng Nghị quyết 03/2017, có hiệu lực ngày 01/7/2017 và công văn hướng dẫn số 144/2017 ngày 04/7/2017 của TAND Tối cao. Có thể hiểu Nghị quyết 03/2017 là văn bản quy định ở tầm nghị quyết, quy định có phần chi tiết, có phần chung về thực hiện việc công bố bản án trên mạng. Ở phần chung và nhằm thực hiện việc áp dụng thống nhất quy định này, TAND Tối cao ban hành thêm công văn số 144/2017 để hướng dẫn chi tiết, cụ thể đến tận cùng mọi nội dung.

Rà soát kỹ 2 văn bản này thì không có quy định nào tương ứng với yêu cầu của ông Vĩnh trong yêu cầu không công bố bản án trên mạng. Có thể thấy quy định gần với yêu cầu này nhất là ở điểm đ, khoản 4- NQ 03/2017 "Bản án có chứa đựng nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, gia đình mà chưa được mã hóa theo hướng dẫn tại điều 7 nghị quyết này". 

Giải thích rõ cho quy định trên của NQ 03, Công văn 144 thể hiện rõ tại điểm b, mục 1 thì việc mã hóa thông tin liên quan đến bí mật cá nhân, gia đình theo điều 7 của NQ 03 và mục 2 CV 144 là đã đủ điều kiện bí mật. Mục 2 cũng giải thích rất rõ tên mà ta có thể hiểu điều kiện gọi là mã hóa chỉ cần viết tắt của vần đầu tên cuối đối với các bị cáo, người liên quan…. quan trọng. Chẳng hạn: Phan Văn Vĩnh có thể mã thành Phan Văn V. là được.

Ngoài ra, 2 văn bản trên còn quy định về trách nhiệm của chủ tọa phiên tòa trong việc công bố bản án có nhấn mạnh lại nội dung không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa được mã hóa theo điều 7, NQ 03.

Như vậy có thể thấy, hoàn toàn không có quy định nào xác định việc dừng công bố bản án theo yêu cầu của bị cáo mà không thuộc các trường hợp quy định tại điều 4, NQ 03 lại được chấp thuận. Càng không có quy định chỉ 1 bị cáo yêu cầu thì toàn bộ bản án sẽ được dừng công bố trên mạng như cách giải thích của chủ tọa nêu trên.

Rất cần có sự hiểu thống nhất về quy định này như mong muốn của TAND Tối cao khi chính cơ quan này đã ban hành thêm Công văn 144 ngày 4/7/2017. Cũng nên biết rằng, kể từ khi NQ 03/2017 có hiệu lực ngày 01/7/2017 đến nay đã có trên 17.000 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của tòa án, một minh chứng cho thấy quy định không thể bị hóa giải 1 cách đơn giản chỉ vì yêu cầu của 1 hay nhiều bị cáo mà không căn cứ theo quy định đã rất tường minh.

* LS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS Khánh Hòa: Lời tuyên bố của chủ tọa không có giá trị pháp lý.

Hiện nay, việc công bố bản án được thực hiện theo Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP của  Hội đồng thẩm phán và công văn 144 của TAND Tối cao hướng dẫn thi hành nghị quyết này.

Theo hướng dẫn của TAND Tối cao, việc phổ biến và giải quyết quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng được thực hiện theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015; Luật Tố tụng Hành chính năm 2015,  Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 và hướng dẫn tại điều 5 nghị quyết. Khi phổ biến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, chủ tọa phải thông báo cho họ biết bản án, quyết định giải quyết vụ việc mà họ là người tham gia tố tụng thuộc diện được công bố trên Cổng thông tin điện tử của tòa án và quyền của họ được yêu cầu giữ bí mật một số thông tin theo quy định pháp luật.

Yêu cầu về giữ bí mật của người tham gia tố tụng có thể được thực hiện trước khi mở phiên tòa, phiên họp hoặc tại phiên tòa, phiên họp;

Yêu cầu về giữ bí mật của người tham gia tố tụng trước khi mở phiên tòa phải được làm bằng văn bản, trong đó có nêu rõ lý do để tòa xem xét;

Trường hợp người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa, phiên họp và tòa án xét xử vắng mặt họ theo quy định mà người vắng mặt không có văn bản yêu cầu tòa án giữ bí mật thông tin thì được xác định họ không có yêu cầu giữ bí mật thông tin.

Việc phổ biến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, yêu cầu của người tham gia tố tụng về công bố hoặc không công bố bản án, quyết định phải được ghi vào biên bản phiên tòa, phiên họp.

Đối với việc công bố bản án, trong phần thủ tục phiên tòa, chủ tọa phổ biến, giải thích cho bị cáo biết bản án, quyết định giải quyết vụ án này thuộc diện được công bố trên Cổng thông tin điện tử của tòa án theo quy định. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án thuộc trường hợp hướng dẫn tại điều 3 của nghị quyết này có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đó phải được công bố trên Cổng thông tin điện tử của tòa án. Việc phổ biến việc này là trách nhiệm chủ tọa phiên tòa. Chủ tọa cần giải thích bị cáo được quyền yêu cầu tòa án không công bố đối với những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh theo đúng quy định tại điều 5 nghị quyết …

Thế  nhưng trong vụ án này, chủ tọa hỏi bị cáo có đồng ý công bố bản án lên mạng hay không và ngay sau khi bị cáo Vĩnh dứt lời, chủ tọa kết luận: "Chỉ cần 1 người từ chối thì chúng tôi không công bố rồi, nên khỏi hỏi các bị cáo khác để đỡ mất thời gian". Lời giải thích này chủ tọa đã vi phạm điều 5 nghị quyết, vừa thể hiện sự việc cắt xén, ảnh hưởng đến  quyền của  các bị cáo khác là không bình đẳng trước phiên tòa công khai.

Chủ tọa có trách nhiệm phổ biến và ghi nhận các yêu cầu của bị cáo; việc giải quyết quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng được thực hiện theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 và hướng dẫn tại điều 5 nghị quyết. Vụ án mới phần thủ tục, chưa phát sinh những điều kiện cần đủ phải công bố bản án hay không được công bố bản án trên mạng nhưng chủ tọa phiên tòa sơ thẩm đã công bố: "Chỉ cần 1 người từ chối thì chúng tôi không công bố rồi…". Đối chiếu với các quy  định  hiện hành có thể nhận xét lời tuyên bố của chủ tọa phiên tòa là vội vàng, không phải là quan điểm chính thức của HĐXX. Lời tuyên bố của cá nhân chủ tọa vừa không căn cứ và trái thẩm quyền nên không có giá trị pháp lý./.