Đó là lời sám hối của phạm nhân Lò Văn Châu – hiện đang chấp hành án phạt tù tại trại giam Nam Hà gửi về gia đình bị hại. Chỉ vì túng quẫn, Lò Văn Châu đã ra tay sát hại chủ quán nước để cướp tài sản. Hành vi phạm tội của Châu phải trả giá bằng bản án tù chung thân chưa biết ngày về.
Lò Văn Châu xúc động đọc lại lá thư của mình gửi cho bị hại
Lò Văn Châu, sinh năm 1985 tại một bản nghèo hẻo lánh ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Là con út trong gia đình nên dù hoàn cảnh khó khăn, Lò Văn Châu vẫn được bố mẹ cố gắng cho ăn học với kỳ vọng con trai sẽ nên người. Tuy nhiên, thay vì học hành chăm chỉ, Lò Văn Châu lại thường xuyên tụ tập đua đòi theo đám bạn xấu. Vì thế mà khi mới 9 tuổi, cậu bé Châu đã biết đến “mùi vị” của ma túy. Say trong men của “nàng tiên nâu”, Châu học hành chểnh mảng, đi theo lời rủ rê của đám bạn chơi bời. Học đến lớp 5, Châu bỏ học hẳn, và cũng từ đây cuộc đời của Lò Văn Châu rẽ sang những lối rẽ của bi kịch.
Bất chấp những lời khuyên bảo của gia đình, Lò Văn Châu tiếp tục lao vào các tệ nạn xã hội. Đỉnh điểm, trong một lần cãi nhau với bố, Châu đã bỏ nhà ra đi. Sau mấy ngày vất vưởng nơi đầu đường xó chợ, Lò Văn Châu đã vào tiệm tạp hóa của ông Lò Văn Sánh cướp tài sản. Chỉ với 106 ngàn đồng, Lò Văn Châu đã lấy đi tính mạng của ông chủ tiệm tạm hóa bằng nhát gậy chí mạng giữa đỉnh đầu. Ngay sau khi gây án, Lò Văn Châu bị bắt và nhận bản án tù Chung thân về tội giết người, cướp tài sản.
Châu ngậm ngùi kể lại, thời điểm mới bị bắt, Châu mới chỉ 19 tuổi, những nhận thức về pháp luật cũng hạn chế khiến y vô cùng sợ hãi. Những ngày tháng bị tạm giam, vật vã với những cơn… “đói thuốc” khiến Châu tưởng như không thể vượt qua. Châu nghĩ, cuộc đời có lẽ đã chấm dứt với mình khi còn quá trẻ. Nhắc đến quãng thời gian tăm tối đó, đôi mắt đục ngầu của phạm nhân này cụp hẳn xuống.
Sau những phút trầm tư, Châu bắt đầu trải lòng về cuộc đời đầy sóng gió của mình. Châu bảo, khi còn trẻ, lại ít học, không định hướng được đường đi của mình nên đã sa ngã. Chỉ vì “bập” vào ma túy quá sớm mà cuộc đời tự do của mình mới tăm tối như vậy. Khi đã ở trong chốn lao tù, điều mà Châu thấy ăn năn nhất đó là đã tước đoạt đi mạng sống của một người không hề quen biết và cũng chẳng có thù hằn, hiềm khích gì. Vì cần tiền mua thuốc, bàn tay của Châu đã nhuốm máu, khiến cả gia đình nạn nhân tan nát, vợ mất chồng, con mất cha…
Châu kể: "Thời điểm ấy chỉ vì đam mê chơi bời thành ra phạm tội giết người và cướp tài sản. Không nhớ nổi tên của người bị mình sát hại. Lúc đó đang ngồi chơi tự nhiên nảy sinh ý định, lấy thanh gỗ đập vào đầu người ta. Nhiều đêm tự nghĩ sao mình có thể tự nhiên đi giết người như thế".
Phiên tòa xét xử Lò Văn Châu đã là hình ảnh của quá khứ từ hơn 10 năm trước. Nhưng những gì diễn ra trong phiên tòa năm ấy dường như vẫn còn in đậm trong tâm trí phạm nhân này. Châu kể, sau mấy tháng tạm giam thì được gặp mẹ, gặp lại gia đình. Khoảnh khắc đó thực sự khiến Châu tiếc nuối nhất, hối hận nhất về những gì đã xảy ra. Nó như một nhát dao cứa vào trái tim của đấng sinh thành, mà theo năm tháng khó có thể chữa lành được.
Đứng trước “vành móng ngựa”, bản thân Châu tự nhủ một điều là “kẻ có tội thì phải đền tội”, nhưng khi nghe tòa tuyên mức án tù chung thân, Châu không tin đó là sự thực. Bởi trong tầm hiểu biết của Châu lúc đó không nghĩ rằng án phạt dành cho mình lại nặng đến vậy? Cả thân hình vạm vỡ của một chàng trai đang căng tràn sức sống bỗng đổ sụp xuống như cây chuối đổ.
Trong khi vẫn còn hoang mang với bản án mà tòa vừa tuyên, thì Châu liên tiếp nghe thấy những tiếng thét gào của người nhà nạn nhân đòi tăng mức hình phạt đối với mình. Lúc đó, Châu chỉ kịp liếc mắt nhìn sang người con trai của nạn nhân đang ôm di ảnh của người đã khuất khóc nghẹn ngào, Lò Văn Châu chỉ biết cúi gằm mặt mà nhận lấy tất cả.
Ngày mới lên trại giam Nam Hà, Lò Văn Châu dường như không còn tha thiết với cuộc sống. Với suy nghĩ tiêu cực rằng không có ngày về khiến Châu không chịu lao động, cải tạo. Châu bắt đầu quậy phá và kết giao với những đồng cảnh xấu và gây ra nhiều vụ ẩu đả. Dù nhiều lần bị kỷ luật, nhưng sự lì lợm và bất cần đời của Lò Văn Châu đã khiến các các bộ quản giáo phải… đau đầu.
"Lúc đầu tòa xử chung thân nghĩ chắc không có ngày về. Bị kỷ luật mấy lần. Ba năm thì mình ý thức được. Từ ngày mình chuyển về trại mới thì khao khát của mình muốn về lắm rồi, nên từ giờ sẽ không dính líu chuyện gì. Từ đấy mình cố gắng cải tạo" - Lò Văn Châu tâm sự
Đã 12 năm rồi kể từ khi Lò Văn Châu trả nợ cuộc đời phía sau song sắt, nhưng chưa một lần phạm nhân này được thân vào thăm nom. Lý do theo Châu nói thì do đường sá xa xôi, gia đình lại không có điều kiện. Châu bộc bạch, nhiều khi cảm xót lắm, tủi hận lắm, nhưng lỗi đều do bản thân mình gây ra, nên chẳng dám trách cứ ai, mà chỉ biết âm thầm chịu đựng, từng ngày từng ngày cúi đầu cải tạo.
Tuy chưa một lần được người thân thăm nom, nhưng thi thoảng Châu vẫn nhận được thư của gia đình. Qua những lá thư, Châu càng đắng cay hơn khi lần lượt nhận được tin bố, mẹ qua đời. Tâm sự đến đây, nước mắt của một phạm nhân từng là nỗi khiếp sợ với các đồng cảnh khác trong chốn lao tù cứ thế không ngừng chảy. Châu bộc bạch, lúc ấy chỉ muốn chạy về nhìn mặt bố mẹ lần cuối và thắp nén nhang cầu xin họ họ tha thứ cho thằng con bất hiếu này, nhưng lực bất tòng tâm. Và nếu sau này có ngày trở về, chẳng biết gia đình của mình sẽ còn những ai? – Châu cay đắng nói.
Những tưởng đi tù là sẽ trả hết những nợ nần của cuộc đời, nhưng số phận nghiệt ngã tiếp tục không chịu buông tha cho phạm nhân Lò Văn Châu… Năm thứ 10 chấp hành án phạt tù, trong một Trại giam tổ chức lần khám sức khỏe cho các phạm nhân, Lò Văn Châu nhận được hung tin mình đang mang trong người căn bệnh thế kỷ HIV. Châu nhớ lại, đó là một ngày cuối đông lạnh giá, cán bộ quản giáo gọi lên thông báo mình bị mắc căn bệnh thế kỷ. Dù không muốn tin, nhưng đó là sự thực, là kết quả của những năm tháng “bập” vào ma túy. Mọi thứ lúc ấy với tôi dường như chẳng còn ý nghĩa gì hết. Lúc đó, tôi chỉ muốn lao đầu vào tường chấm dứt kiếp đời đầy lầm lỗi, nhưng sự hèn nhát và yếu đuối khiến tôi không dám.
Lặng lẽ lê từng bước chân trĩu nặng về buồng giam với biết bao suy nghĩ về tương lai, về số phận, Lò Văn Châu nằm bẹp xuống nền nhà như một cái xác không hồn. Những ngày sau đó, Châu liên tiếp bỏ ăn, bỏ uống và tinh thần kiệt quệ… Dù được các đồng cảnh an ủi, nhưng Châu lại luôn nhìn thấy những ánh mắt kỳ thị ở họ… Rất may cho Lò Văn Châu là đúng cái thời điểm cần một điểm tựa để tiếp tục sống, thì những cán bộ quản giáo của trại giam Nam Hà đã sát cánh, động viên, khuyên bảo và tạo mọi điều kiện để Châu chữa bệnh.
Châu nghẹn ngào: "Năm 2012, mình suy sụp mất vài tháng khi biết bị bệnh. Mấy năm nay sức khỏe yếu nên mình sợ hãi. Mình bị tư tưởng. Đêm nào mà mình suy nghĩ và mất ngủ".
Khi đã trải qua biết bao thử thách của số phận, trải qua biết bao cảm xúc của sự cô đơn và hơn thế đó là vượt qua nỗi đớn đau của bệnh tật, Lò Văn Châu đã quyết định cầm bút viết ra những lời sám hối của mình để gửi về cho thân nhân người bị hại. Tuy những dòng chữ chẳng thẳng hàng, đẹp lối và lời văn còn lủng củng, nhưng nó xuất phát từ cái tâm của một kẻ đã gây ra tội lỗi khát khao phục thiện. Châu thổ lộ, đó là lần đầu tiên viết thư, nhưng không phải viết cho gia đình, viết cho những người mình yêu thương, mà là viết cho những người mình gây ra đau thương cho họ. Dù rằng lời xin lỗi của tôi đến muộn và cũng chẳng thể xoa dịu vết thương của họ, nhưng cầu mong linh hồn người đã mất nhận được lời xin lỗi của tôi. Trong thư gửi cho người đàn bà góa phụ, Lò Văn Châu viết:
...Việc cháu đã gây ra cho gia đình bác thật sự là một nỗi đau lớn, một nỗi mất mát lớn. Một chút sai lầm đã làm cho cả cuộc đời cháu ân hận. Giờ đây, hối hận thì cháu cũng chỉ biết làm việc chăm chỉ để mong sớm có ngày trở về, chuộc lại những gì cháu đã gây ra.
… Nhiều năm nay, cháu hiểu về sách dạy làm người và các sách Phật giáo, cháu lại thấy tội của cháu rất sâu, rất nặng. Tội của cháu đã cướp mất cuộc sống của bác trai, làm cho bác mất đi người chồng khi còn quá trẻ. Chỉ vì lúc đó cháu đã không hiểu biết về pháp luật, nên cháu đã cướp đi tính mạng của bác trai, thật sự cháu vô cùng ân hận.