Ngày 31/8, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử đối với vụ án dân sự đòi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thôn Thượng Thuỵ (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội). Trước đó,  phiên tòa đã phải hoãn một lần vào chiều 23/8 do luật sư bào chữa cho người có quyền và nghĩa vụ liên quan có đơn xin hoãn phiên tòa vì trùng lịch với phiên tòa khác.

Vụ án gần 3 năm theo đuổi

Theo hồ sơ vụ án, anh Đỗ Tiến Chỉ, quê ở xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) đi lao động năm 1995 đến 1998 tại Lybia. Trong khoảng thời gian đó, từ 1996 anh Chỉ bắt đầu gửi tiền về nhà cho chị dâu là Ứng Thị Huyền (quê Hoài Đức, Hà Nội) bằng cách uỷ quyền cho chị Huyền qua công ty đưa anh Chỉ đi xuất khẩu lao động (có trụ sở tại Hà Nội) lấy.

Chị Huyền sau đó gửi số tiền trên cho anh Đỗ Tiến Long và chị Trần Xuân Phương (cùng ở xã Đức Thượng), cũng là anh ruột và chị dâu của anh Chỉ có giấy biên nhận kèm theo.

luat_su_dai_dai_vov_vn_hsnv.jpg
Luật sư Vũ Hồng Hoa, Đoàn luật sư Hà Nội.

Giữa năm 1998, bà Phương, ông Long mua đất hộ cho anh Chỉ. Thời điểm đó anh Chỉ không có ở Việt Nam nên phải nhờ chị dâu Trần Xuân Phương đứng tên hộ.

Cuối năm 1998 anh Chỉ về Việt Nam và bắt đầu nhập hộ khẩu xây dựng nhà lấy vợ, sinh con trên mảnh đất khu Cây vông thôn Thượng Thuỵ (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) mà anh Long, chị Phương đã mua hộ cho.

Đến tháng 3/1999 anh Chỉ đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sang lại tên cho mình thì anh Long chị Phương nói mượn sổ đỏ để vay vốn kinh doanh.

Đến năm 2010, do thời gian mượn sổ quá lâu nên anh Chỉ tiếp tục yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sang lại tên cho mình thì lúc này chị Phương, anh Long đáp lại rằng sẽ trả khi quyết toán khoản vay ngân hàng MHB được thế chấp bằng sổ đỏ của nhà anh.

Vì lý do trên, anh Chỉ đã yêu cầu viết giấy nhượng đất và mượn lại sổ đỏ của anh.

Năm 2011, ngân hàng MHB cho người đến nhà anh Chỉ thông báo về khoản vay của chị Phương uỷ quyền cho Đỗ Trần Quy là con ruột của chị Phương và anh Long, không có khả năng trả nợ, nếu anh Chỉ muốn lấy lại sổ đỏ thì nộp tiền vào ngân hàng.

Lo mất nhà nên 1 lần nữa, anh Chỉ lại lấy tiền của mình và quyết toán khoản nợ cho chị Phương. Tuy nhiên, khi nộp số tiền khoảng 691 triệu đồng xong thì phía ngân hàng MHB đưa ra một công văn của cơ quan điều tra gửi tới ngân hàng MHB yêu cầu giữ lại sổ đỏ.

Luật sư, thạc sĩ Vũ Hồng Hoa (văn phòng luật sư An Thái - Đoàn luật sư Hà Nội, bào chữa cho nguyên đơn) nêu quan điểm, tại bản án hình sự sơ thẩm TAND TP Hà Nội số 394/2014/HSST ngày 15/9/2014 ghi rõ: "Lời khai của anh Đỗ Tiến Chỉ trong giai đoạn điều tra và tại phiên toà khai tiền mua đất trên là của anh Chỉ, vợ chồng anh Chỉ ở đó từ 1998 đến nay, phù hợp với lời khai của chị Ứng Thị Huyền và các bị cáo….do không có cơ sở vững chắc để xác định thửa đất thuộc quyền sở hữu của anh Đỗ Tiến Long và chị Trần Xuân Phương để kê biên bảo đảm thi hành án".

Tuy nhiên, Chi Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội đã căn cứ vào đơn yêu cầu thi hành án của ông Trần Ngọc Sơn (bị hại trong vụ án hình sự mà bị cáo là ông Long và bà Phương) để ra quyết định cưỡng chế kê biên thửa đất trên số 27 ngày 26/7/2016 do chấp hành viên Phạm Ngọc Minh ký. Ngày 9/8/2017 chấp hành viên Đào Thị Kim Tuyến ra quyết định số 278 thu hồi quyết định số 27 của chấp hành viên Phạm Ngọc Minh, và tổ chức họp bàn biện pháp cưỡng chế kê biên thửa đất trên.

Ngày 15/12/2017, cơ quan thi hành án lại ra quyết định số 106 thu hồi quyết định 278 ngày 9/8/2017 và giữ nguyên hiệu lực quyết định số 27 ngày 26/7/2016 với lý do quyết định số 278 không có căn cứ pháp luật, và chấp hành viên Tuyến chưa được lãnh đạo Chi cục thi hành án phân công. 

Từ căn cứ trên, luật sư Hoa cho rằng, Chi cục thi hành dân sự Hà Nội đã ra 3 lần quyết định khác nhau, nội dung quyết định sau thu hồi quyết định trước, chấp hành viên ra quyết định thì là người chưa được lãnh đạo bổ nhiệm.

Vị nữ luật sư nhận định, trong vụ án, tài sản của nguyên đơn được hình thành đến 2 lần mua nhưng vẫn không được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lần đầu là nhờ anh trai chị dâu mua hộ năm 1998. Lần 2 là khi đi quyết toán khoản vay cả gốc và lãi của chị Phương với ngân hàng MHB, số tiền xấp xỉ với giá trị mảnh đất bị thế chấp.

Cũng trong vụ án, tài sản bị thi hành án không dựa trên bản án của Toà án nhân dân TP Hà Nội, mặc dù nó đã được nhận xét trong bản án là không đủ cơ sở kê biên tài sản.

Bản án công tâm

Theo luật sư Hoa, tại phiên Toà phúc thẩm ngày 31/8, lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng, hồ sơ xác minh trong quá trình tố tụng đã làm rõ các vấn đề. 
Công an xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức đã 3 lần xác nhận anh Đỗ Tiến Chỉ nhập khẩu vào thôn Thượng Thụy (xã đức Thượng huyện Hoài Đức) từ tháng 4/1999. Nội dung xác nhận chỉ để khẳng định ông Đỗ Tiến Chỉ là người sinh sống ổn định liên tục từ 1999 đến nay.
Lời khai hết sức quan trọng của ông Giang Văn Phú (hàng xóm của anh Chỉ) tại bút lục 89 ghi rõ, ông Phú được anh Chỉ mời sang làm chứng việc ông Long, bà Phương viết giấy nhượng lại phần đất anh Chỉ đang sinh sống.
Lời khai của những người làm chứng, bà Hưng (người bán đất cho bà Phương) trong bút lục số 103 đã thể hiện, năm 1998 vợ chồng bà bán đất cho vợ chồng ông Long bà Phương có nói với gia đình bà là mua mảnh đất chia làm 2 phần, 1 thửa của ông bà Long Phương còn 1 thửa mua hộ cho em trai ở đây là anh Chỉ.
Lời khai của chị Ứng Thị Huyền tại bút lục 39, 41,42,43, 91,92 93 đều thể hiện bà là người nhận tiền chuyển về của anh Chỉ có giấy uỷ quyền của anh Chỉ. Sau đó, bà Huyền là người gửi tiền cho ông Long, bà Phương để mua đất hộ cho anh Chỉ, mỗi lần chuyển tiền đều làm giấy biên nhận.
Lời khai của bà Trần Xuân Phương, ông Đỗ Tiến Long bị đơn tại bút lục 75,76,77, 78,79 thể hiện, ông Long và bà Phương là người nhận tiền của anh Chỉ từ tay chị Huyền có viết giấy biên nhận để mua hộ mảnh đất cho anh Chỉ, bà Phương là người đứng tên hộ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thôi.
Qua phần tranh tụng tại toà cho thấy, việc bổ sung UBND huyện Hoài Đức tham gia vụ án với tư cách Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là không cần thiết. Xác định bị đơn là Chi Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội là sai vì, nguyên đơn xác định đòi người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang lại tên cho mình.
 Tại bản án sơ thẩm của TAND huyện Hoài Đức đã áp dụng phù hợp đưa ra án lệ số 02/2016 được lựa chọn từ quyết định giám đốc thẩm số 27/2010/DS-GĐT ngày 8/7/2010 của HĐTP TAND Tối cao và được công bố theo quyết định số 698/QD-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án TAND Tối cao thì: Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng đất và nhờ người ở trong nước đứng tên nhận chuyện nhượng sử dụng đất hộ mình, khi giải quyết tranh chấp thì Toà án phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất cho người đứng tên hộ. Trường hợp không xác định được chính xác công sức của người đó thì cần xác định người thực chất trả tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người đứng tên nhận chuyển quyền sử dụng đất hộ có công sức ngang nhau để chia phần giá trị chênh lệch tang them so với tiền gốc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ban đầu.
Từ các nhận định trên TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, sửa lại phần tuyên án của TAND huyện Hoài Đức là đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Buộc bị đơn trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa số 118B2 tờ bản đồ số 3, diện tích 50m2 tại khu Cây Vông (thôn Thượng Thụy, xã Đức Thượng huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho anh Đỗ Tiến Chỉ.
Yêu cầu Chi Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội trả lại bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E809553 do Uỷ Ban ND tỉnh Hà Tây cấp ngày 21/11/1998 cho ông Đỗ Tiến Chỉ./.

Niềm vui ngày thắng kiện! 

"Sau gần 3 năm theo đuổi vụ án đến cùng, gia đình cùng luật sư đã có 1 bản án như mong đợi. Niềm vui của gia đình anh Chỉ là niềm vui của những người làm công như tôi, hoan hỷ trước thành quả lao động của mình"- luật sư Hoa chia sẻ sau phiên tòa.