Ngày 29/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thực hiện tống đạt các Quyết định và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Việc bắt tạm giam bị can Trần Bắc Hà đã nối dài danh sách các “ông trùm tài chính” vướng vòng lao lý. (Ảnh: Vietnamnet) |
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào tháng 5/2018, ông Trần Bắc Hà có những vi phạm rất nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Trong đó có sai phạm trong việc cho vay 4.700 tỷ đồng cho 12 công ty của Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). |
Tuy nhiên, trong đại án nghìn tỷ Phạm Công Danh, ông Trần Bắc Hà luôn vắng mặt tại tòa dù được triệu tập nhiều lần, với lý do điều trị bệnh ung thư.(Ảnh: Huy Sơn) |
Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956, tại Hà Tây; nguyên quán Bình Định. Ông Bắc Hà tốt nghiệp cử nhân Tài chính kế toán và bắt đầu làm việc tại BIDV từ đầu năm 1981. Ông trở thành Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định khi vừa tròn 35 tuổi. Tháng 10/1999, ông trở thành Phó Tổng giám đốc BIDV. Từ tháng 5/2003 đến tháng 12/2007, ông là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIDV. Tháng 1/2008, ông được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT BIDV. |
Nguyễn Đức Kiên hay còn gọi là Bầu Kiên, Kiên Bạc, nguyên Phó Chủ tịch Tập đoàn ACB đang thụ án 30 năm tù giam với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo và Cố ý làm trái. Ông sinh năm 1964 tại Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh: IT) |
Chiều tối 20/8/2012, ông Kiên bị bắt giữ để làm rõ hành vi "cố ý làm trái" liên quan đến các hoạt động kinh tế, cụ thể là ông Kiên có liên quan tới sai phạm của 3 công ty con do ông này làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (gồm: Công ty đầu tư thương mại B&B, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội).(Ảnh: VTV) |
Theo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội tuyên ngày 9/6/2014, bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị phạt 20 tháng tù về tội Kinh doanh trái phép, 6 năm 6 tháng về tội Trốn thuế, 20 năm về tội Lừa đảo, 18 năm do Cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là 30 năm (mức tối đa theo luật định); nộp phạt bổ sung 75 tỷ do trốn thuế và 100 triệu đồng về hành vi lừa đảo. (Ảnh: Petrotimes.vn) |
Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 15/12/2014, Tòa tuyên y án sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Đức Kiên, tổng cộng là 30 năm tù giam, nộp phạt 75 tỷ đồng trốn thuế, 100 triệu đồng tội lừa đảo; cấm giữ mọi chức vụ về ngân hàng, tài chính trong vòng 5 năm sau khi ra tù. (Ảnh: 24h) |
Hà Văn Thắm sinh năm 1972 tại Bắc Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank), Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương. Tháng 10/2014, ông Thắm bị khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo Điều 179 Bộ luật hình sự.(Ảnh: Việt Đức) |
Tháng 8/2017, TAND TP Hà Nội đưa Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm ra xét xử. Theo cáo trạng, trong quá trình làm Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm đã có nhiều vi phạm trong hoạt động tín dụng, gây thiệt hại cho ngân hàng gần 2.000 tỷ đồng. Tháng 9/2017, TAND TP Hà Nội đã tuyên án Hà Văn Thắm mức án tù chung thân về 4 tội: cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản. (Ảnh: TTXVN) |
Trong giai đoạn 2 của vụ án, theo cơ quan điều tra, ngoài hành vi chỉ đạo chi lãi suất ngoài hợp đồng để thu hút khách hàng, gây thiệt hại cho ngân hàng 1.500 tỷ đồng đã bị xét xử, ông Thắm còn liên quan đến các khoản vay có tổng dư nợ xấu tới 1.800 tỷ đồng của 8 khách hàng là doanh nghiệp... Cơ quan chức năng còn nghi ngờ ông Thắm có hành vi tạo dựng 45 hợp đồng khống với 20 đối tác để rút tiền sử dụng cá nhân gây thiệt hại cho OceanBank 118 tỷ đồng.(Ảnh: Dân Trí) |
Trần Phương Bình sinh năm 1959 tại TPHCM, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đông Á (Đông Á Bank - DAB). Tháng 12/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với một số cán bộ nguyên là lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Đông Á do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có ông Trần Phương Bình–nguyên Tổng giám đốc DongA Bank. (Ảnh: Thanh Niên) |
Từ ngày 27/11/2018, TAND TPHCM đang xét xử vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á. (Ảnh: Pháp luật TPHCM) |
Theo cáo trạng, trong quá trình điều hành DAB, Trần Phương Bình đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái Luật Kế toán, Luật Các tổ chức tín dụng và Điều lệ ngân hàng... cùng các nhân viên trong DAB và những người liên quan thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho DAB 3.608 tỷ đồng. Từ các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nêu trên là nguyên nhân dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm 31/12/2015 lỗ luỹ kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.(Ảnh: VnExpress) |
Ông Trầm Bê, sinh năm 1959 tại Trà Vinh, nguyên Chủ tịch Hội đồng tín dụng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank. Tháng 8/2017, ông bị bắt về hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ này nằm trong tiến trình điều tra giai đoạn hai của đại án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng xây dựng Việt Nam - VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh) gây thất thoát 6.000 tỷ đồng.(Ảnh: Dân Trí) |
Ông Trầm Bê được xác định đã chỉ đạo Phan Huy Khang, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank ký duyệt cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay 1.700 tỉ đồng không thẩm định kỹ khách hàng vay, không thẩm định phương án kinh doanh. Khi hết hạn cho vay, Sacombank tự động trừ nợ số tiền 1.700 tỉ đồng trên tài khoản của VNCB gửi tại Sacombank, gây thất thoát cho VNCB số tiền 1.700 tỉ đồng. (Ảnh: cafef.vn) |
Về tội này, tháng 8/2018, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên phạt ông Trầm Bê 4 năm tù. (Ảnh: nhadautu.vn) |
Phạm Công Danh sinh năm 1965 ở Quảng Ngãi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần xây dựng Việt Nam (VNCB). Trong vụ án Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (còn gọi là Đại án Phạm Công Danh), Phạm Công Danh bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới rút tiền trái phép của Ngân hàng Xây dựng dùng để trả nợ nhận chuyển nhượng VNCB, trả nợ thay cho tập đoàn Thiên Thanh và trả tiền hoa hồng cho những người huy động vốn, dẫn đến mất khả năng thu hồi, gây thất thoát 9.000 tỷ đồng. (Ảnh: Dân Trí) |
Tháng 7/2014, Phạm Công Danh cùng Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc, thành viên HĐQT) và ông Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc Chi nhánh SG, thành viên HĐQT) đã bị khởi tố và bắt tạm giam để phục vụ điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (theo Điều 165 Bộ Luật hình sự) xảy ra tại Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, TP Hồ Chí Minh. Tháng 7/2016, TAND TPHCM đưa vụ án ra xét xử. |
Tháng 9/2016, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Phạm Công Danh 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 20 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng mức án phải chịu cho hai tội là 30 năm tù. Tháng 1/2017, tòa phúc thẩm tuyên y án. |