Bản kết luận điều tra đề nghị truy tố 8 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ (Điều 356 BLHS năm 2015) gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo- GD&ĐT tỉnh Sơn La), Lò Văn Huynh (cựu Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), Đặng Hữu Thủy (cựu Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Tô Hiệu), Đỗ Khắc Hưng (cựu Công an tỉnh Sơn La), Đinh Hải Sơn (cựu Công an tỉnh Sơn La).

cong_an_tnii.jpg
Các bị cáo tại phiên toà sơ thẩm lần 1.

Ngoài bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, các bị can: Lò Văn Huynh, Nguyễn Thị Hồng Nga và Cầm Thị Bun Sọn còn bị đề nghị truy tố thêm về tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS năm 2015).

3 bị can bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ (Điều 354, BLHS năm 2015) gồm: Hoàng Thị Thành (cựu Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La), Trần Văn Điện (cựu cán bộ Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Chiềng Cơi, thành phố Sơn La) và Lò Thị Trường (lao động tự do, thành phố Sơn La).

Bản kết luận điều tra xác định, tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tổ chức tại tỉnh Sơn La, 11 bị can trên bị cáo buộc vì động cơ vụ lợi và lợi dụng chức vụ đã cùng nhau nhận thông tin và tác động nâng điểm cho 44 thí sinh trong các ngày từ 29/6 đến 3/7/2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó chấm thẩm định đã hạ điểm của các thí sinh này. Thí sinh bị hạ nhiều nhất tới 26,55 điểm cho ba môn, 5 thí sinh bị hạ mỗi người trên 22 điểm...

Các bị can là người có trách nhiệm trong việc chấm thi, bảo vệ bài thi đã nhận thông tin rồi can thiệp bài làm, nâng điểm cho 44 thí sinh. Phần lớn các phụ huynh, người chuyển thông tin thí sinh đều nói chỉ nhờ xem điểm trước, không đưa tiền cho các bị can giúp nâng điểm. Hành vi của 11 bị can được xác định là rất nghiêm trọng khi thủ đoạn phạm tội tinh vi, làm sai lệch kết quả thi của 44 thí sinh, không đảm bảo công bằng, khách quan, gây bức xúc trong xã hội.

Về hành vi đưa và nhận hối lộ để nâng điểm thi, bản kết luận điều tra xác định, bị can Lò Thị Trường đưa 300 triệu đồng cho bị can Lò Văn Huynh và bị can Hoàng Thị Thành đưa 440 triệu đồng cho bị can Cầm Thị Bun Sọn, bị can Trần Văn Điện đưa cho bị can Nguyễn Thị Hồng Nga 1,4 tỷ đồng để nhờ nâng điểm cho bốn thí sinh.

Tại thời điểm truy tố và phiên tòa sơ thẩm ban đầu, bị can Lò Văn Huynh khai, đã nhận từ ông Nguyễn Minh Khoa (cựu Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) 1 tỷ đồng để nâng điểm cho hai thí sinh. Quá trình điều tra bổ sung, bị can Huynh thay đổi lời khai, nói không nhận tiền hoặc thỏa thuận nhận tiền với ông Khoa số tiền 1 tỷ đồng trên.

Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Sơn La  xác định, ông Nguyễn Minh Khoa cùng nhiều người khác đã chuyển thông tin thí sinh cho các bị can trong vụ án. Nhưng không đủ căn cứ chứng minh việc tác động cũng như động cơ, mục đích vụ lợi của các trường hợp này nên không quy kết trách nhiệm hình sự.

Trước đó, từ ngày 15 đến ngày 18/10/2019, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Sơn La đã mở phiên toà xét xử vụ án này và tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm rõ các hành vi: đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ của các bị cáo cùng những người liên quan. HĐXX nhận định, trong những ngày diễn ra phiên xét xử, do thiếu chứng cứ chứng minh những tình tiết mới nên HĐXX chưa thể giải quyết vụ án trong phiên xử này.

HĐXX đề nghị cơ quan điều tra làm rõ nguồn gốc khoản đưa tiền và nhận tiền của các bị cáo và những người liên quan để nhờ sửa điểm, nâng điểm cho các thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018.

Theo HĐXX, có căn cứ cho rằng trong vụ án có đồng phạm mà chưa bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can để làm rõ các tội: đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ của các bị cáo là chưa giải quyết vụ án triệt để./.