Sáng 18/8, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng tiếp tục phần tranh tụng của các luật sư. Luật sư bào chữa cho nhiều bị cáo là cấp dưới của Phạm Công Danh đã đưa ra nhiều chứng cứ, lập luận để chứng minh một số bị cáo lêu oan là đúng và có bị cáo nên được hưởng án treo.
Bị cáo Phạm Công Danh rời phiên tòa sáng 18/8 |
Luật sư cho rằng, Phạm Việt Thép là nhân viên một chi nhánh của Ngân hàng Xây dựng mà Phạm Công Danh là lãnh đạo nên Thép chỉ làm theo chỉ đạo của Danh, Thép chỉ là giám đốc và đại diện pháp luật cho công ty này trên giấy tờ chứ thực chất công ty không có bộ máy, không hoạt động. Việc Thép đứng ra ký hợp đồng nâng cấp hệ thống CoreBanking và nhận hơn 63 tỷ đồng rồi ký séc chuyển số tiền này từ công ty An Phát sang cho Danh, còn Danh sử dụng tiền như thế nào thì Thép không biết.
Theo luật sư, trên hồ sơ vụ án và phần xét hỏi tại tòa cho thấy, Thép và nhiều bị cáo khác khi thực hiện chỉ đạo của Danh đã không ý thức được hậu quả xảy ra là có thể Ngân hàng Xây dựng bị thất thoát tiền, chứ nếu hiểu biết đầy đủ thì không ai dám làm. Thêm vào đó, Thép chỉ nhận lương nhân viên của ngân hàng là 5 triệu đồng/tháng chứ không nhận bất cứ khoản tiền nào từ chức danh Giám đốc công ty An Phát. Khi biết rằng việc mình làm có thể sai quy định, Thép đã chủ động chuyển quyền điều hành An Phát cho người khác.
Từ tất cả những hành vi trên, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem lại tội danh “cố ý làm trái quy định của nhà nước”. Đồng thời, luật sư cũng đề nghị xem xét lại tội danh “gây hậu quả nghiêm trọng” đối với số tiền trên 63 tỷ đồng của Thép. Bởi theo luật sư, nếu xác định là thiệt hại có nghĩa là Ngân hàng Xây dựng mất số tiền này (tiền nâng cấp hệ thống CoreBanking), nhưng thực chất cáo trạng đã xác định số tiền đó nằm ở đâu và có thể thu hồi được. Phần lớn số tiền đó được Phạm Công Danh dùng để trả lãi vượt trần, chăm sóc khách hàng cho khoản huy động từ nhóm Trần Ngọc Bích. Một phần nhỏ số tiền này, cáo trạng chỉ xác định đã dùng hết chứ không xác định được là dùng vào việc gì nên không có nghĩa là bị thiệt hại. Cho nên, tội “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng của Thép” phải được xem xét trong mối quan hệ nhân- quả, Thép chuyển hơn 63 tỷ cho Danh và nếu Danh sử dụng đúng thì số tiền này không mất đi. Phạm Công Danh cũng xác định rõ bản thân chịu trách nhiệm số tiền này nên Phạm Việt Thép không liên quan, cần được miễn trách nhiệm dân sự liên đới bồi thường thiệt hại. Thép có “có cố ý làm trái” nhưng “vô ý về hậu quả thiệt hại”.
Tất cả những điều đó cộng với các tình tiết giảm nhẹ như Thép có nhân thân tốt, ăn năn hối cải, thât thà khai báo…, luật sư Nguyễn Minh Tâm đề nghị: “Xét tính chất và mức độ hành vi của Phạm Việt Thép trong tổng quan toàn bộ vụ án, căn cứ vào nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ, chúng tôi nhận thấy: không cần thiết phải bắt giam Phạm Việt Thép chấp hành hình phạt tù với mức án như đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát, mà có thể cho Thép được hưởng án treo”.
Cũng liên quan đến số tiền hơn 63 tỷ đồng đã được rút ra để nâng cấp hệ thống CoreBanking nhưng không được sử dụng đúng mục đích gây thất thoát, luật sư Nguyễn Thị Quế bào chữa cho bị cáo Lê Công Thảo, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin của Ngân hàng Xây dựng, về tội “cố ý làm trái uy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” vì đã ký 2 phiếu tạm ứng tiền nâng cấp Corebanking và tờ trình đề án nâng cấp. Luật sư cho rằng, đề án này đã thông qua Hội đồng Cổ đông và bị cáo chỉ thực hiện theo chức trách của mình, ký 2 giấy tạm ứng và lập đề án. Thêm vào đó, Thảo bị truy cứu trách nhiệm hình sự là không có cơ sở pháp lý vì theo 8 tài liệu mà luật sư có thì các bị cáo khác phải có đủ 2 hành vi là: đã tham gia họp bàn với Phạm Công Danh và ký tên vào 1 trong 8 tài liệu thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn Thảo chỉ ký tên vào văn bản chứ không được dự họp với Danh và hội đồng quản trị, nhưng vẫn bị khởi tố hình sự. Cho nên, Hội đồng Xét xử cần xem xét lời kêu oan của Lê Công Thảo.
Tương tự như vậy, trong phần bào chữa cho bị cáo Lê Khắc Thái, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Xây dựng chi nhánh Sài Gòn, luật sư Nguyễn Thị Quế cũng chứng minh lời kêu oan của Thái là có căn cứ pháp lý.
Hôm nay là đúng 1 tháng kể từ ngày diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ án, trong phiên tòa sáng nay, Phạm Công Danh có biểu hiện mệt mỏi./.