Chiều 18/8, tại phiên tòa xét xử vụ án làm thiệt hại 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng, trong phần bào chữa cho nhiều bị cáo nguyên là giám đốc các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh mà Phạm Công Danh làm Tổng Giám đốc, các luật sư đều có chung quan điểm là: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đến các yếu tố bị cáo có trình độ thấp, không hiểu biết pháp luật, không lường được hậu quả… để giảm hoặc miễn hình phạt.

Điểm chung của các bị cáo mà các luật sư bào chữa chiều nay là: từng mang chức danh giám đốc các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và ký hợp đồng vay vốn từ Ngân hàng Xây dựng nhưng không biết gì về nội dung các hợp đồng ấy, không biết tiền  lấy về làm gì, đi đâu và không được hưởng lợi gì về hành vi phạm tội này.

Luật sư Lê Bửu Thành bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Cường, nguyên Giám đốc công ty Cường Tín và Trần Thanh Tùng, nguyên Giám đốc công ty Thanh Quang cho rằng Tùng và Cường đều là nhân viên của Thiên Thanh nên khi được đề nghị đứng tên làm giám đốc các công ty thì phải chấp hành và do trình độ thấp (Cường mới học đến lớp 6) nên không hiểu biết pháp luật, cũng không lường trước được hậu quả của việc ký vào các hợp đồng vay vốn và cũng không hưởng lợi từ việc sai phạm. Tất cả hồ sơ, con dấu của hai công ty do Cường và Tùng đứng tên đều do nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh nắm giữ, sử dụng.

Cùng với những tình tiết giảm nhẹ khác, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho Trần Thanh Tùng và Nguyễn Văn Cường đều đang bị đề nghị mức án 3-4 năm tù vì vi phạm các quy định về cho vay, được hưởng án treo đề có cơ hội làm lại cuộc đời.

Luật sư Lê Minh Đức bào chữa các bị cáo Cao Phước Nhàn- nguyên Giám đốc công ty Phước Đại; Nguyễn Tấn Thành- nguyên Giám đốc công ty Thành Trí cũng đưa ra lý lẽ hai bị cáo này đều trình độ hạn chế, nhận thức kém, thiếu hiểu biết về pháp luật, không nhận thức được hành vi của mình gây thiệt hại và đều có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu…để xin miễn hình phạt cho bị cáo Thành và giảm mức án cho bị cáo Nhàn.

Luật sư Nguyễn Văn Hoà bào chữa cho Nguyễn Hữu Duyên - vốn là nhân viên rửa xe của Tập đoàn Thiên Thanh, trình độ học vấn 9/12, được giao cho chức danh Giám đốc công ty Quang Đại và Nguyễn Minh Quân vốn là nhân viên bảo vệ, học vấn lớp 11/12, được yêu cầu giữ chức vụ Giám đốc công ty An Phát, đều đã thanh lý các hợp đồng vay vốn hàng trăm triệu đồng.

Các bị cáo cho biết chỉ làm giám đốc công ty chứ không biết gì về giấy phép thành lập, con dấu hay nội dung các hợp đồng. Bị cáo chỉ vì không muốn mất việc và cũng không ý thức hết hậu quả việc làm của mình mà phạm tội, nên luật sư đề nghị tòa xem xét cho hưởng án treo 3 năm, thay vì án tù 3-4 năm như Viện Kiểm sát đề xuất.

Luật sư Nguyễn Văn Hoà nói: “Tại trang 108 của cáo trạng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhận định: Trong vụ án này, ngoài 6 bị cáo đứng đầu cần xử lý nghiêm, còn lại là những người lao động làm thuê, thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên, không được hưởng lợi từ hành vi phạm tội của mình thì cần phân hóa xem xét, giảm nhẹ. Chúng tôi rất tâm đắc với nhận định này!”./.