Chiều nay (19/8), tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cùng 1 luật sư khác bào chữa cho Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng (VNCB) bị Viện Kiểm sát đề nghị về các tội: tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng 11-12 năm tù, vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động tín dụng 11-12 năm tù, tổng cộng 24-26 năm tù.
Phạm Công Danh và đồng bọn tại phiên tòa. |
Luật sư cho rằng, trong vụ án này, Mai bị truy tố và xét xử với vai trò đồng phạm, giúp sức cho Phạm Công Danh. Cho nên phải xem xét, đánh giá hành vi, dấu hiệu cấu thành tội phạm của Phạm Công Danh, đánh giá tính chất mức độ sai phạm chung của vụ án, sau đó mới có thể xét đến các yếu tố của đồng phạm. Từ đó xem xét, hành vi nào của Mai là đồng phạm, hành vi nào là không, để nhìn nhận thấu đáo hơn.
Luật sư đề nghị tôn trọng nguyên tắc xét xử trong hình sự là “cụ thể hóa hành vi, cá thể hóa hình phạt”, vì Mai bị quy kết 2 tội nhưng với rất nhiều hành vi, cần mổ xẻ từng hành vi một để xem có đủ yếu tố cấu thành tội hay không.
Thái độ khai báo thành khẩn, hoàn toàn xác định được trách nhiệm, sai phạm của mình, không đùn đẩy trách nhiệm, thể hiện sự ăn năn, hối cải là yếu tố mà Hội đồng xét xử cần xem xét để giảm án cho Phan Thành Mai.
Tuy nhiên, luật sư cũng lưu ý, dù bị cáo nhận sai phạm nhưng không được coi lời nhận tội là chứng cứ duy nhất, mà phải xem xét ở góc độ pháp lý xem khai nhận đó có phù hợp với các tài liệu, chứng cứ không, có đủ để để buộc tội không.
Luật sư đưa ra tài liệu Phan Thành Mai bắt đầu có quyền điều hành Ngân hàng Xây dựng từ tháng 2/2013 chứ không phải là tháng 6/2012 như trong cáo trạng và bác bỏ những quy kết về hành vi của Mai trước tháng 2/2013.
Xem xét Phan Thành Mai trong cáo trạng với các hành vi được cho là đồng phạm, gây thiệt hại về một số việc như: rút hơn 63 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống CoreBanking; lập khống hợp đồng thuê mặt bằng, trụ sở ở đường Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh tổng cộng là hơn 600 tỷ đồng; rút 5.190 tỷ không có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ không có hồ sơ vay, rút 900 tỷ qua mua bán trái phiếu. Luật sư phân tích cho thấy Mai không đủ yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong một số hành vi.
Trong đó, luật sư cho rằng, cơ quan tố tụng chưa chứng minh được đường đi của dòng tiền, mức độ thiệt hại và những người liên quan trong khoản tiền lớn tổng cộng là 5.390 tỷ đồng có liên quan đến nhóm của bà Trần Ngọc Bích.
Phan Thành Mai không chỉ đạo trực tiếp Hoàng Đình Quyết, Mai Hữu Khương trong việc chuyển và rút 5.190 tỷ đồng không có chữ ký của chủ tài khoản và 300 tỷ đồng không có hợp đồng vay.
Nhóm này là khách hàng lớn của Phạm Công Danh nên Danh trực tiếp chăm sóc, chỉ đạo. Sau khi 5.490 tỷ đồng được giải ngân, thoát khỏi quyền sở hữu của chủ tài khoản thì Mai mới biết đến và biết là để đánh giá thực trạng tài chính của ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu, chứ không phải là để phải là hợp thức hóa số tiền này. Do đó, ở điểm này, quy kết Mai có dấu hiệu đồng phạm là không có căn cứ.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng đủ cơ sở để Hội đồng xét xử xác định mức độ vi phạm của bị cáo phần nào đã được hạn chế, tính nguy hiểm cho xã hội về hành vi mà bị cáo thực hiện đã được hạn chế. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng mức hình phạt buộc bị cáo phải chịu dưới mức đề nghị của Viện Kiểm sát./.