Phùng Thị Ngọc Hà (SN 1974, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) vốn là chuyên viên làm việc ở phòng tiếp dân của UBND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Làm việc tại đây, nhiều người đến tìm gặp Hà hỏi về việc cấp sổ đỏ. Đa số họ là người đang sử dụng đất lấn chiếm, đất tranh chấp. Họ trở thành bị hại trong vụ án lừa đảo của cựu chuyên viên Phùng Thị Ngọc Hà.

Thủ đoạn của Hà là giới thiệu mình có mối quan hệ với lãnh đạo quận, lãnh đạo phòng TN-MT quận Hai Bà Trưng, có khả năng xin cấp sổ đỏ cho người có nhu cầu.

nhanvien_vrrk.jpg
Phùng Thị Ngọc Hà tại tòa sơ thẩm

Như trường hợp của anh Nguyễn Văn Trung. Đất của anh này đang bị thanh tra nhưng Hà vẫn hứa sẽ làm được sổ đỏ nếu anh này chịu chi 147 triệu đồng.

Niềm tin của bị hại được Hà củng cố bằng việc đưa hai số điện thoại của cán bộ và lãnh đạo phòng TN-MT quận Hai Bà Trưng để anh này chủ động liên lạc.

Từ ngày 10/11/2014 – 2/3/2015, anh Trung đã 3 lần giao tiền cho Hà. Đến hẹn, anh này không thấy sổ đỏ, đòi tiền thì Hà khất lần không trả. Cuối cùng bị hại làm đơn tố cáo lên cơ quan công an.

Trong hành vi lừa đảo ông Trần Ngọc Trấn (SN 1941, trú tại phường Ngô Thị Nhâm, quận Ha Bà Trưng, Hà Nội), quan hệ của Hà được nâng lên trong mắt bị hại khi cựu chuyên viên đưa hai số điện thoại, trong đó có số của Chủ tịch quận Hai Bà Trưng. Bị hại gọi đến số máy Hà đưa thì người cầm máy xưng là Chủ tịch quận, và hứa sẽ chỉ đạo phòng chức năng cung cấp sổ đỏ.

Gia đình ông Trấn 15 lần giao tiền cho Hà với tổng số tiền 648 triệu đồng, nhưng cũng không được cung cấp sổ đỏ. Đất của gia đình ông Trấn hiện đang là đất tranh chấp. Cuối cùng, gia đình này trình báo cơ quan chức năng.

Ngoài ra, Hà còn lừa anh Lê Tiến Đạt (SN 1989, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) số tiền gần 100 triệu đồng để làm sổ đỏ cho mảnh đất ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Cũng như các lần trước, cầm tiền, Hà lại “thất hứa”.

Cơ quan tố tụng xác định hành vi của cựu chuyên viên này là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị hại tiếp tay cho hành vi lừa đảo của cựu chuyên viên

Phân tích hành vi phạm tội của bị cáo, thẩm phán Đặng Thị Thanh Huyền – chủ tọa phiên tòa cho rằng, chính sự thiếu hiểu biết pháp luật của các bị hại tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện hành vi phạm pháp. Đất đai đang có tranh chấp, lấn chiếm, nếu có làm sổ đỏ cũng không có hiệu lực pháp luật, sẽ bị hủy.

Nhiều bị hại chấp nhận “bôi trơn” số tiền lớn để làm sổ đỏ trên mảnh đất đang có tranh chấp, vi phạm đã tạo điều kiện cho bị cáo chiếm đoạt tài sản.

Có mặt tại tòa, bà Dương Thị Phùng – vợ của ông Trần Ngọc Trấn cho rằng, đã bỏ lọt tội phạm khi không làm rõ vai trò của những đồng phạm của cựu chuyên viên.

VKS giữ quyền công tố tại tòa khẳng định, các số điện thoại mà Hà nói là của lãnh đạo và phòng chức năng của quận Hai Bà Trưng đã được cơ quan điều tra xác minh và cho thấy, đấy chỉ là người quen biết ngoài xã hội với Hà, không phải là lãnh đạo, cán bộ UBND quận Hai Bà Trưng như cựu chuyên viên giới thiệu.

Với các đối tượng này, cơ quan tố tụng cũng đã tách ra làm một vụ án khác để điều tra do thời hạn điều tra vụ án lừa đảo của Hà chỉ có thời hạn nhất định.

VKS cũng cho hay, giao dịch giữa các bị hại và Hà không có bất kỳ giấy tờ nào, không có ai làm chứng, cơ quan tố tụng phải đấu tranh thì cựu chuyên viên của UBND quận Hai Bà Trưng mới thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Do gia đình bị cáo đã khắc phục hậu quả của vụ án, bị hại cũng có đơn xin giảm án, nên Tòa án Hà Nội ngày 16/9 đã tuyên phạt cựu chuyên viên Phùng Thị Ngọc Hà 7 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản./.