Đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), cơ quan tố tụng đã hoàn tất cáo trạng truy tố 48 bị can về 3 tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Hà Văn Thắm thời còn đương chức. |
Trong đại án được Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo đưa ra xét xử muộn nhất vào quý I/2017 cho thấy có nhiều dấu hiệu tội phạm của tập đoàn, tổng công ty trong việc gửi tiền, nhận các khoản tiền ngoài hợp đồng huy động vốn với Oceanbank.
Theo cơ quan tố tụng, chỉ trong vòng 4 năm đã có hơn 51.000 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank và nhận các khoản tiền chi ngoài hợp đồng tiền gửi, hoặc lãi ngoài của sổ tiết kiệm do Oceanbank chi trả.
Trong các khách hàng gửi và nhận tiền, cơ quan tố tụng xác định có những khách hàng gửi số tiền lớn thuộc doanh nghiệp có nhiều vốn Nhà nước, trong đó chủ yếu là khách hàng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.
Khách hàng này đã có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên của Oceanbank nhận các khoản lãi để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính.
Tài liệu tố tụng cũng cho hay, trong số 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank, thì có 19 tổ chức kinh tế khẳng định có nhận tiền lãi ngoài của Oceanbank.
Hơn 3 tỷ đồng tiền lãi ngoài đã được 19 tổ chức này nộp lại cho cơ quan điều tra Bộ Công an. Ngoài ra, có 124/392 tổ chức gửi phúc đáp đến cơ quan điều tra là không nhận lãi ngoài hợp đồng từ việc gửi tiền tại Oceanbank.
Trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Trần Đức Chính – cựu Kế toán trưởng Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt nam về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng điều tra và tách hồ sơ làm rõ hành vi nhận lãi ngoài của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các công ty con của tập đoàn này.
Tài liệu tố tụng cũng cho hay, PVN đã góp vốn Nhà nước vào Oceanbank với khoảng 20% cổ phần – tương đương 800 tỷ đồng. Số tiền này cũng tan thành mây khói khi không có khả năng thu hồi. Hiện Oceanbank đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Ngoài ra, đối với Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Sông Đà góp 266 tỷ đồng – tương đương 6,65% cổ phần đến nay cũng không có khả năng thu hồi.
Về số tài sản hiện nay đang được cơ quan điều tra Bộ Công an kê biên đáng kể là khoản tiền gần 65 tỷ đồng và hơn 340.000 USD.
Cơ quan điều tra cũng phối hợp với các nhà chức năng tiến hành phong tỏa nhiều tài khoản tiền gửi, cổ phiếu, kê biên một số tài sản là bất động sản của các bị can, những người liên quan để thu hồi tài sản và đảm bảo thi hành án.
Đại án kinh tế tại Oceanbank, bị can Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank được xác định là chủ mưu, cầm đầu.
Các hành vi của cựu chủ tịch ngân hàng cùng với sự trợ giúp của các thuộc cấp đã gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 2.000 tỷ đồng./.
Hoàn tất cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm