Tại phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 25/4 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu “thực hiện, thực hiện và thực hiện triệt để, quyết liệt hơn nữa những chương trình, kế hoạch, phương pháp, cơ chế phối hợp mà chúng ta đã có. Không chờ đợi”. Không chờ đợi là bởi đã có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng cho đến nay tham nhũng vẫn luôn nhức nhối. Không chờ đợi cũng là bởi còn có sự chậm trễ từ phía các cơ quan chức năng, cơ quan tư pháp. Không chờ đợi còn là bởi, tham nhũng không ngồi yên chờ bị phát hiện, xử lý. Và cũng là bởi, còn “chờ” ngày nào thì tham nhũng có cơ hội gây hại cho xã hội ngày ấy.
Cuối năm ngoái, Tổ chức Minh bạch quốc tế đã công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng 2014 (CPI 2014) cho thấy, trong 3 năm liên tiếp (2012 - 2014), điểm số CPI của Việt Nam không thay đổi, tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia. Đây là kết quả mà theo đánh giá của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh là phù hợp với đánh giá của Việt Nam về công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua.
Nhưng đó là chỉ số được ghi nhận trên những con số, qua khảo sát mà tính xác thực chưa được khẳng định. Thực tế không hẳn vậy. Lý giải làm sao con số 66% năm 2014 nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, trong khi năm 2013 là 41%?
Lý giải làm sao tỷ lệ người dân tham gia tố cáo hành vi tham nhũng chỉ khoảng 30% dù đã có những chính sách khen thưởng kịp thời, mà theo quy định mới nhất, từ ngày 01/5/2015, mức thưởng cho cá nhân tham gia chống tham nhũng có thể lên mức gần 3,5 tỷ đồng?
Lý giải thế nào về việc chỉ có 18% người dân tin rằng tham nhũng đã giảm? Và chắc khó lý giải khi 49% người dân cho rằng phải hối lộ khi xin việc vào khu vực công; 43% phải đưa phong bì để được chú ý hơn khi khám chữa bệnh; 33% cần “bôi trơn” khi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 30% phải đưa phong bì cho giáo viên để con em được quan tâm hơn. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, phải hơn như thế!
Rõ ràng, thực trạng tham nhũng và chi phí không chính thức đang tiếp tục gây nhiều tác hại trong đời sống xã hội, trong các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Thực tế ấy cho thấy, chưa thể khẳng định một cách chắc chắn rằng “tình hình tham nhũng ổn định, không giảm, không tăng”. Chỉ những đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng, những người là nạn nhân của tham nhũng và người dân mới có thể biết tham nhũng ở mức nào và đánh giá của cơ quan chức năng có thực chất, có khách quan, có dám nhìn trực diện vào sự thật hay không mà thôi.
Tại phiên họp thứ 7 vừa qua của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, những hạn chế, nguyên nhân làm cho kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa được như mong muốn đã được chỉ ra. Trong đó có từ phía cơ quan quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực “nhạy cảm” liên quan đến đất đai, tiền tệ; có việc chẫm trễ của cơ quan thanh tra, điều tra, giám định tư pháp; có câu chuyện về mức xử án, quá trình xử lý án của cơ quan Tòa án; công tác thu hồi tài sản tham nhũng của cơ quan thi hành án; có chuyện thiếu thông tin và công tác tuyên truyền còn chưa đầy đủ. Đặc biệt là tình trạng “tham nhũng vặt” trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động. Tất cả, đã và đang làm đảo lộn các giá trị đạo đức của xã hội; dần bào mòn lòng tin của người dân; làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Quý I vừa qua, 7 vụ, 9 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 27,5 tỷ đồng bị phát hiện; 38 vụ án-88 bị can bị khởi tố; 77 vụ án-184 bị can bị truy tố; 49 vụ án-97 bị cáo đã được đưa ra xét xử sơ thẩm ở các cấp tòa án. Kết quả này dẫu chưa phản ánh đầy đủ tình trạng tham nhũng; chưa ghi nhận hết cố gắng của các cấp chính quyền, ngành chức năng và sự tham gia của người dân, nhưng phần nào đã góp phần giảm bớt những hoài nghi; tháo gỡ những nút thắt trong quá trình đấu tranh với tệ nạn và tội phạm tham nhũng.
Thấy được nguyên nhân mới đưa ra được cách giải quyết phù hợp, có hiệu quả. Nhiều “cái chậm” đã được thẳng thắn chỉ ra trong phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Và người dân càng không thể chờ đợi trước sự chùng chình ấy.
Bởi thế, trong quý II này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu cần phải làm quyết liệt hơn nữa. Và muốn làm quyết liệt hơn thì cần có quyết tâm rất lớn, ý thức trách nhiệm rất cao. Nó được thể hiện bằng hành động, chứ không chỉ nói, không chỉ đưa ra giải pháp để rồi chậm trễ trong hành động. Sự chậm trễ, sự chờ đợi khiến thiệt hại do tham nhũng gây ra cho đất nước, cho người dân và xã hội sẽ ngày càng lớn. Lúc ấy việc ngăn chặn tai họa này và lấy lại những gì đã mất là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là khó thành hiện thực./.