Những thông tin về hậu quả của tín dụng đen, đòi nợ thuê kiểu xã hội đen không chỉ được đặt trên bàn nghị sự tại diễn dàn Quốc hội mà còn làm “nóng” kỳ họp Hội đồng nhân dân cuối năm của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Vì sao tín dụng đen - đòi nợ thuê lộng hành? Bao giờ hoạt động biến tướng này không còn đất sống?

tin_dung_den1_ucps.gif
Tín dụng đen để lại nhiều hệ lụy cho xã hội
Tín dụng đen và đòi nợ thuê kiểu côn đồ là cặp bài trùng, luôn song hành, hỗ trợ cho nhau. Những “con nợ” sẽ mất ăn mất ngủ vì bị quấy rầy, đe dọa hành hung, ném chất bẩn vào nhà, tung tin nói xấu, đe dọa chặt tay chân, tạt a xít, gây tai nạn giao thông, đánh đập, tra khảo, bắt giữ làm con tin.

Những tin nhắn từ số máy lạ mang nội dung rùng rợn, bạo lực hòng dằn mặt, hăm dọa đã trở thành nỗi ám ảnh của “con nợ” và người thân trong gia đình họ. Nếu không có tiền trả, họ chỉ còn cách biệt tăm, trốn nợ, phải sống chui lủi trong sự hoang mang cực độ vì sợ bị trả thù. Có người đã phải tự tử vì không chịu nổi áp lực khủng bố và sợ liên lụy tới người thân.

Những câu chuyện dở khóc dở cười do tín dụng đen, đòi nợ thuê gây ra: Đó là chuyện một cụ ông ở TPHCM phải đau lòng làm đơn “từ” con gái để được yên thân. Một cô giáo tiểu học cũng ở thành phố này đã phải viết đơn cầu xin nhóm “xã hội đen” được đi dạy học, sau khi bị đổ chất bẩn vào nhà, khóa trái cửa giam giữ các thành viên gia đình để ép buộc trả nợ thay chị dâu của cô giáo đã bỏ trốn. 

Đặc biệt mới đây, Công an Thanh Hóa đã triệt phá một băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê dưới vỏ bọc “công ty tài chính” không có đăng ký kinh doanh, nhưng lại tồn tại và hoạt động tại 26 khu vực thuộc 63 tỉnh, thành phố. Ngoài việc cho vay với lãi suất cao ngất ngưởng, chúng sẵn sàng sử dụng bạo lực cả với nhân viên, gây ra cái chết thương tâm của một thanh niên 19 tuổi thông qua cái gọi là “quy định nội bộ” trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Rõ ràng sự lộng hành của các băng nhóm đòi nợ thuê đã gây bất bình trong xã hội. 

Tín dụng đen và đòi nợ thuê như những “vòi bạch tuộc” len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, vươn tới tận các làng quê xa xôi, hẻo lánh. Nhan nhản trên mạng internet là các dòng thông tin quảng cáo “cho vay vốn không cần thế chấp”; “Cho vay tiền chỉ cần chứng minh nhân dân”. Những tờ rơi, quảng cáo chi chít trên các bức tường, cột điện, nơi công cộng với lời chào gọi hấp dẫn, ngắn gọn “Alo là có tiền”… vẫn tồn tại như thách thức các cơ quan chức năng.

Dẫu biết rằng, lời mời chào hấp dẫn ấy sẽ lại là “cái bẫy” sập xuống bất cứ lúc nào với mức độ rủi ro cao, nhưng vì sao nhiều người vẫn cứ “nhắm mắt dấn thân”? Vậy những người vay tín dụng đen là ai?

Hầu hết là những người không đủ điều kiện để vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Họ thiếu tài sản thế chấp, thiếu bảo lãnh tín chấp và thiếu phương án sử dụng tiền một cách minh bạch, có kế hoạch, có phương án trả nợ theo một quy trình, thủ tục chặt chẽ. Thậm chí nhiều người trong số đó sử dụng tiền vay “nóng” vào mục đích không trong sáng như cờ bạc, lô đề, cá độ; vay “nóng” để trả nợ “nóng” theo kiểu “đâm lao thì phải theo lao”.

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã đưa ra kiến nghị “không cấp phép cho dịch vụ đòi nợ thuê” do sự biến tướng, khó kiểm soát của loại hình dịch vụ này. Kiến nghị đã nhận được sự đồng tình của nhiều người, dù biết rằng cấm hoạt động chưa phải là giải pháp tốt, nhưng việc kiểm soát biến tướng của nó thì không dễ dàng. Và trong điều kiện hiện nay, không cấp phép hoạt động cho dịch vụ đòi nợ thuê được coi là phương án phù hợp.

“Cặp bài trùng” tín dụng đen - đòi nợ thuê kiểu xã hội đen chỉ không còn đất sống khi các hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng minh bạch; khi những người có nhu cầu vay tiền “nói không” với vay mượn trôi nổi. Đặc biệt cần sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an, không để tín dụng đen- đòi nợ thuê trở thành những “cơn bão” càn quét từ miền núi, thành thị  đến các vùng nông thôn./.